CƠM NIÊU – CÁC LOẠI MẮM KHO ĐẶC SẢN BÌNH ĐỊNH
12 Tháng Mười Một, 2017DOCUMENTARY NOTES TO BINH DINH – Author: Tran Dang Khoi
16 Tháng Năm, 2018BÌNH ĐỊNH
Ranh giới Phú Yên và Bình Định là đỉnh đèo Cù Mông và Km 19 đường Quy Nhơn – Sông Cầu.
Tỉnh lỵ: TP. Quy Nhơn và 10 huyện: An Lão, An Nhơn, Hòai Ân, Hòai Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Diện tích: 6.039,6Km2 , dân số: 1.556.300 người (2006), dân tộc Việt, Chăm, Banar, Hrê. Mã điện thọai: 056, biển số xe: 77. Tp. Quy Nhơn: 215Km2 chưa tính khu kinh tế Nhơn Hội, dân số: 260.000 người, có 42Km bờ biển.
Avani esort (4 sao) – khu resort đầu tiên của Bình Định được xây dựng trên Bãi Dài, kiến trúc theo kiến trúc cổ của người Chămpa từ cổng cho đến phòng nghỉ, được một tập đoàn của nước Cộng Hoà Áo dầu tư hơn 4 triệu USD để xây dựng trên diện tích 13,5ha. Nằm cách trung tâm Tp. Quy Nhơn 16Km.
Nghề đánh bắt và nuôi tôm hùm: Đi dọc theo đường ta nhìn sang phía bên tay phải thì sẽ thấy được biển Quy Nhơn, đoàn thấy có rất nhiều phao, thuyền nhỏ neo trên biển là nơi ngư dân nuôi ủ tôm hùm bán tự nhiên (bằng lồng). Nhưng chủ yếu vẫn là đánh bắt tôm hùm con, dùng những chà rớ thả xuống biển, cách mặt nước 10cm – 70cm, khi tối trời thì họ sẽ thắp sáng những bóng đèn vì đặc tính loại tôm hùm con rất thích tập trung lại những nơi có ánh sáng vào ban đêm, và sẵn có những bó lá cây nên tôm con trú ẩn cho an toàn, cứ 2-4 tiếng thì họ sẽ dùng vợt vớt những bó lá cây đó và giũ cho tôm con bơi ra. Tôm con bán từ 20.000 – 80.000/con tùy loại lớn nhỏ, nếu trúng thì mỗi đêm họ có thể kiếm được 200.000 –1.000.000VND/người. Đoàn chúng ta đi qua đây vào buổi tối sẽ nhìn thấy khu vực này giống như Tp. nổi trên biển.
Trại Phong Quy Hoà: Trên bãi biển có một bờ kè ximăng dài khoảng 200m thì nơi đó là bệnh viện Phong Quy Hòa. Năm 1929 ông Paul Maheure cùng với 30 bệnh nhân phong vượt dãy núi Quy Hòa hoang vu để vào nơi này, đó là những người đầu tiên đặt nền móng cho bệnh viện. Trước năm 1975 hơn 1.500 bệnh nhân vẫn được sưởi ấm tình thương của Ủy ban Kháng chiến Liên khu 5, các tu sĩ dòng thánh Francico và tổ chức từ thiện trong nước, quốc tế. Năm 1976, khu điều trị này được Bộ Y tế tiếp quản, năm 1999 bệnh viện Phong – Da Liễu chính thức được thành lập. Năm 2000 chúng ta đã tìm ra thuốc đặc trị để chữa khỏi bệnh Phong, hiện nay còn những người bị di chứng của bệnh này để lại đang sống và làm việc tại đây. Cũng chính tại nơi đây Hàn Mặc Tử – nhà thơ tài danh, bạc mệnh đã sống và điều trị bệnh trong những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời mình và trút hơi thở cuối cùng.
Lược sử: Theo sử cổ Bình Định – Quy Nhơn là vùng đất xưa nhất của nước ta. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đã chép: Bình Định nguyên là đất Thường Thị. Năm 2353 TCN xứ Việt Thường Thị đem dâng rùa thần sang Trung Quốc, sau mấy lần thông dịch mới hiểu được nhau. Rùa thần sống nghìn năm, lưng có chữ khoa đẩu (hình như con nòng nọc) ghi việc từ khi trời đất mới mở. Vua Nghiêu sai người chép lại, gọi là lịch Rùa. Đến thời nhà Tần (221-206TCN) xứ này là huyện Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, đời nhà Hán (202TCN – 25SCN) là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Năm 137 đời Hậu Hán có người tên là Khu Liên nổi lên giết quan huyện rồi tự xưng là vua nước Lâm Ấp. Năm 605 nhà Tùy lấy lại Lâm Ấp đặt làm Xung Châu rồi quận Lâm Ấp. Đời nhà Đường năm 627 đổi tên là Lâm Châu. Năm 803 nhà Đường bỏ đất này, dân chúng nước Chămpa xây dựng mở thương khẩu Thị Nại – Tp. Quy Nhơn ngày nay. Năm 982 Sau khi bị vua Lê Đại Hành lấy lại thành Địa Rí, vua Chămpa Là Xá Lợi Đà Ngô Nhật Hoan chạy vào đây đóng đô nên mới đặt tên là Đồ Bàn, Nhật Hoan hiệu là Đồ Bàn (Chô Pan) nên lấy hiệu mà đặt tên cho Thủ Đô. Từ khi dời đô vào Đồ Bàn, nhờ núi sông hiểm trở, thành trì vững chắc, người Chămpa đã ngăn được bước tiến của quân xâm lăng và giữ nước được gần 5TK. Năm 1284 quân Chiêm Thành đã đánh tan 10 vạn hùng binh của nhà Nguyên do Toa Đô thống lĩnh và kéo từ Trung Quốc theo đường thủy vào cửa Thị Nại. Năm 1376 Vua Trần Nhuệ Tông cử 12 vạn binh thủy, bộ đánh vào Đồ Bàn, Chế Bồng Nga bày làm cừ sắt ngoài thành, bày kế dụ địch, giết được vua nhà Trần và tan rã cả quân thủy bộ. Năm 1403, Hồ Hán Thương sai tướng đem 20 vạn quân có chiến cụ đầy đủ vây đánh Đồ Bàn trong 2 tháng, nhưng rút cuộc bị người Chămpa phản công đánh cho một trận kịch liệt phải lui về nước. Năm 1470 vua Chămpa là Trà Toàn đem quân ra đánh phá Hoá Châu. Vua Lê Thánh Tông phải cầm quân đi đánh dẹp, Trà Toàn đại bại phải rút về giữ Đồ Bàn, vua Lê Thánh Tông thừa thắng đuổi đánh. Quân Chămpa chống không nổi, Trà Toàn bị bắt và đất Đồ Bàn bị quân ta chiếm. Sau sự kiện này vua Lê Thánh Tông cho mở biên thùy Đại Việt tới núi Đá Bia trên đèo Cả (Phú Yên), lấy đất này đặt phủ Hoài Nhơn coi 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn, cho thuộc Thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1602 Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) đổi tên làm phủ Quy Nhơn vẫn thuộc dinh Quảng Nam. Năm 1651 chúa Nguyễn Phước Tần (chúa Hiền) đổi làm phủ Quy Ninh. Năm 1742 chúa Nguyễn Phước Khoát (chúa Võ) gọi lại tên cũ là phủ Quy Nhơn. Năm 1765 Vũ Vương mất, Nguyễn Phúc Thuần kế vị, lấy hiệu là Định Vương. Định Vương còn nhỏ, quyền bính trong nước đều nằm trong tay gian thần Trương Phúc Loan, gian thần lộng hành, trong nước sinh loạn lạc, muôn dân đồ thán. Để dẹp loạn cứu dân, năm 1771 ba vị anh hùng đất Tây Sơn, huyện Tuy Viễn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ giấy nghĩa binh đánh nhà Nguyễn, nhân dân hưởng ứng khí thế rất mạnh. Tuần vũ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên không chống cự nổi, phải bỏ thành chạy ra Phú Xuân. Nghĩa binh lấy Quy Nhơn làm căn cứ đánh vào Nam ra Bắc, đến đâu lòng người theo đến đó. Không mấy lúc đã dựng lên cơ nghiệp nhà Tây Sơn. Năm 1776 Nguyễn Nhạc xưng Vương lấy Quy Nhơn làm kinh đô, sửa sang thành Đồ Bàn lại làm Hoàng Đế thành. Sau khi toàn cõi lãnh thổ của chúa Nguyễn vào tay nhà Tây Sơn thì non nước chia ba. Từ Quảng Nam trở ra thuộc về Nguyễn Huệ, từ Quảng Nghĩa trở vô thuộc vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và đất Gia Định thuộc về Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Đất Quy Nhơn trở thành nơi phồn thịnh. Sau khi Nguyễn Ánh nhờ quân Pháp lấy lại đất Gia Định, thì Quy Nhơn cũng như các nơi khác đều trở thành bãi chiến trường. Trận đánh đầu tiên của 2 họ Nguyễn là năm 1792, Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Trương cùng hai tướng Pháp là Dayot và Vannier tục gọi là Nguyễn Văn Phấn, Nguyễn Văn Chấn, đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ ra đánh Quy Nhơn. Quân Nguyễn Ánh đến Thị Nại thì bị nghĩa quân Tây Sơn đánh lui. Năm 1793 Nguyễn Ánh thân chinh cử cả bộ binh và thủy binh. Vua Thái Đức chống không nổi rút vào thành Quy Nhơn cố thủ. Nguyễn Ánh bao vây, công kích, vua Thái Đức mở đường huyết, chạy ra Phú Xuân cầu cứu. Lúc bấy giờ Quang Trung đã quy thần, vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản sai Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn, Lê Trung và Ngô Văn Sở đem 17.000 quân và 80 thớt chiến tượng đi đường bộ và 30 thuyền chiến đi đường biển vào cứu Quy Nhơn. Thấy vậy Nguyễn Ánh liền rút ra khỏi Quy Nhơn. Không đánh mà thắng Phạm Công Hưng cùng các tướng kéo nhau vào thành Quy Nhơn, chiếm giữ thành trì và tịch biên tất cả kho tàng. Vua Thái Đức thấy vậy tức thổ huyết mà thác. Từ năm 1793 Quy Nhơn không còn Kinh Đô nữa. Và cũng từ đó nhân dân địa phương, ngoài nạn giặc giã còn phải chịu thêm nạn tham quan ô lại từ Phú Xuân đưa vào. Từ đó nhà Tây Sơn không được lòng dân:
“ Lạy trời cho chóng gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm thẳng ra”
Năm 1797 biết được tình thế Nguyễn Ánh cùng hoàng tử Cảnh kéo binh thuyền ra đánh Quy Nhơn. Nhưng tướng Tây Sơn hay được phòng bị trước. Nên Nguyễn Ánh nghỉ đánh sẽ bất lợi nên đành rút về Gia Định chờ thời cơ. Năm 1798 Hiến Công Nguyễn Bảo (con vua Thái Đức) căm tức Nguyễn Quang Toản chiếm mất cơ nghiệp của mình, định trốn vào Nam hàng Nguyễn Ánh. Cơ mưu bị lộ, Nguyễn Quang Toản sai người vào Quy Nhơn bắt Nguyễn Bảo dìm xuống sông Côn. Có tin Nguyễn Bảo làm vậy là do Lê Trung xúi dục nên Lê Trung bị triệu về Kinh xử chém chứ không cần xét hỏi. Con Lê Trung là Lê Chất – một tướng đánh trận rất giỏi có tiếng, đương giữ chức đại đô đốc coi thủy trại Thị Nại, thấy Cảnh Thịnh hay nghi kỵ mà giết hại công thần, nên bèn bỏ trốn vào Nam phò Nguyễn Ánh. Nhờ Lê Chất, Nguyễn Ánh biết được nội tình nhà Tây Sơn và nơi hiểm yếu của Quy Nhơn, liền cử đại binh ra đánh. Năm 1799 Nguyễn Ánh đánh vào Quy Nhơn cả hai mặt thủy và bộ nhà Tây Sơn thua phải rút vào thành cố thủ. Phú Xuân hay tin cho quan vào cứu thì viện binh bị quân nhà Nguyễn chận đánh ở Quảng Nghĩa. Tướng giữ thành Quy Nhơn là Lê Văn Thanh, vì lương thảo cạn, liệu không chống giữ nổi, phải mở cửa thành đầu hàng. Nguyễn Ánh đem quân vào thành, phủ dụ nhân dân rồi đổi tên đất Quy Nhơn thành Bình Định năm 1799. Rồi Nguyễn Ánh rút quân về Gia Định, để Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở lại giữ thành Bình Định. Năm 1800, đặt dinh Bình Định tách khỏi dinh Quảng Nam. Năm 1800 tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cử bộ binh và thủy binh vào đánh Bình Định, khí thế rất mạnh nên quân Võ Tánh chống không lại bèn rút vào thành cố thủ. Trần Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân vây bốn mặt, còn Võ Văn Dũng thì đôn đốc thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại. Nghe tin thành Bình Định bị thất thủ, Nguyễn Ánh thống xuất đại binh ra cứu viện, nhưng thành bị vây cẩn mật không sao giải cứu nổi. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu sai người lén đem mật thư ra cho Nguyễn Ánh. Đại ý nói rằng:”Quân tinh nhuệ Tây Sơn dồn cả vào Bình Định. Xin đừng lo việc giải vây vội, hãy kịp ra đánh lấy Phú Xuân”. Nguyễn Ánh nghe theo, tháng 5-1801 lấy được Phú Xuân. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân thất thủ, liền sai tướng đem quân ra cứu. Nhưng quân ra tới Quảng Nam thị bị chận đường nên phải trở lui. Trần Quang Diệu nổi giận đốc quân đánh thành luôn ngày đêm. Thành bị vây lâu ngày, lương thảo đều hết. Liệu không còn có thể giữ được nữa. Võ Tánh bèn viết thư sai người đưa ra cho Trần Quang Diệu, yêu cầu đừng giết hại sỹ tốt khi nhập thành. Đoạn chất củi khô, đổ thuốc súng vào, tự đốt mà chết. Ngô Tùng Châu đã uống thuốc độc chết trước. Vì lý do trên, số lớn binh lính của Võ Tánh được tha sau này sống ở Bình Định và nơi khác họ và thế hệ con cháu không bao giờ ăn thịt nướng hoặc thịt quay, để tôn thờ ân nhân. Trần Quang Diệu vào thành tha toàn thể tướng sỹ nhà Nguyễn và sai liệm táng quan trấn thủ Võ Tánh và Hiệp trấn Ngô Tùng Châu theo nghi lễ. Trần Quang Diệu tuy lấy lại được thành Bình Định, song luôn bị quân nhà Nguyễn kéo tới đánh phá, nhân dân không mấy được yên. Mùa xuân năm 1802 nghe tin vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân bị thất trận ở Trấn Ninh, Trần Quang Diệu phải bỏ thành Bình Định theo đường núi ra Nghệ An, để hiệp cùng vua Tây Sơn chống giữ mặt Bắc. Nhưng thế lực nhà Nguyễn quá mạnh nên quân Tây Sơn thất bại luôn và Trần Quang Diệu ra đến Nghệ An không bao lâu thì bị bắt cùng Bùi Thị Xuân. Bình Định trở về nhà Nguyễn. Sau khi thống nhất lãnh thổ, năm 1802 Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu là Gia Long. Năm 1808 đổi làm trấn Bình Định gồm một phủ Quy Nhơn. Năm 1831, cải phủ Quy Nhơn làm phủ Hoài Nhơn. Năm 1832 theo hệ thống hành chính mới Trấn đổi ra tỉnh thành tỉnh Bình Định. Năm Tự Đức thứ 6 (1864), nhập Phú Yên vào Bình Định Thành một tỉnh, đặt đạo Phú Yên. Năm 1863 lại tách đạo Phú Yên ra khỏi Bình Định. Dưới thời thuộc Pháp Bình Định bao gồm cả xứ Kon Tum nên tỉnh này rất rộng, dân số khoảng 557.876 người. Khoảng năm 1909 Kon Tum tách làm tỉnh riêng nhưng lại có thêm Phú Yên. Đến năm 1930 Phú Yên tách thành tỉnh riêng. Năm 1943, Bình định có số dân 780.300 người, với diện tích 6.100km2, tỉnh lỵ đặt tại Tx. Quy Nhơn. Sau Cách Mạng tháng 8-1945, Bình Định đổi thành tỉnh Tăng Bạt Hổ, nhưng ít thời gian sau lại tên như cũ theo sự chỉ thị của TW. Bình Định trở thành một tỉnh kiên cường chống Pháp của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Sau năm 1954, hiệp định Genève quy định tạm chia 2 vùng đóng quân để chuẩn bị hiệp thương thống nhất vào năm 1956, Bình Định nằm trong vùng “Quốc Gia” và tiếp tục chống Mỹ đến ngày 30/03/1975 mới hoàn toàn giải phóng. Sau 1975 sát nhập Bình Định & Quảng Ngãi thành tỉnh Nghĩa Bình Ngày 30 tháng 6 năm 1989 kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa VIII, đã quyết định: Chia tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, lấy đèo Bình Đê là ranh giới.
Sơ lược về thành phố Quy Nhơn: Theo dòng chảy của lịch sử đất nước, tên gọi và diện mạo của Tp. Quy Nhơn không ngừng biến đổi. Từ khi vua Lê Thánh Tông thành lập phủ hoài Nhơn năm 1471 đến TK18 thì vùng đất này là điểm gặp gỡ của nhiều giai đoạn di dân và tụ cư. Những lớp cư dân của người Việt đã đến khai phá mảnh đất này là những công dân nghèo theo chân Minh Chúa đi mở mang bờ cõi. Dù xuất thân từ những tầng lớp khác nhau nhưng họ là người dũng cảm, tiên phong trong công cuộc khai phá vùng đất mới. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng đã đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn với ý nghĩa muốn quy tụ về đây những người nhơn nghĩa. Từ năm 1578 chúa Nguyễn sai Tri huyện Tuy Viễn là Lương Văn Chính di dân thành lập nên các làng Chánh Thành, Cẩm Thượng, Hưng Thạnh, Xuân Quang, Quy Hòa…giáp đến chân đèo Cù Mông là tiền thân Tp. Quy Nhơn ngày nay. Quá trình tụ cư lập làng diễn ra đồng thời với quá trình phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa qua hai cửa biển là Kẻ Thử và Thị Nại (biến âm từ Vijaya của người Chămpa) đây là tiền thân của cảng biển Quy Nhơn. Từ TK16-18 việc buôn bán qua cửa Thị Nại tạo điều kiện hình thành nên phố cảng với hệ thống chợ nổi tiếng một thời như: chợ Giã, chợ Cẩm Thượng, chợ Ma, chợ Cháo…. Bước sang TK19 Thị Nại đã trở thành quân cảng, thương cảng lớn ở miền Nam Trung bộ. Do sớm thấy vị trí chiến lược của cảng biển Thị Nại nên khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp buộc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước Giáp Tuất (1874), ép nhà Nguyễn phải nhường Hà Nội, Hải Phòng và Thị Nại (tức Quy Nhơn) cho tàu thuyền của họ được tự do ra vào những nơi này. Thánh 8-1882, dù chưa được triều đình Huế chính thức thừa nhận sự bảo hộ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, thống đốc Pháp ở Nam Kỳ vẫn ngang ngược cho đổi tên cảng Thị Nại thành cảng Quy Nhơn. Năm 1883 lợi dụng vua Tự Đức băng hà, thực dân Pháp nổ súng chiếm thành Quy Nhơn. Từ đó họ khẩn trương nâng cấp cảng và phố cảng Quy Nhơn để phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa sau này. Công bằng mà nói, sự đầu tư xây dựng đường ôtô, hệ thống đèn chiếu sáng đô thị, bến cảng, kho chứa hàng, tháp hải đăng… đã đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, làm thay đổi diện mạo đô thị Quy Nhơn vốn có từ trước và tạo thêm tiền đề để ngày 20-10-1898 vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập Tp. Quy Nhơn, thủ phủ của Bình Định. Vào TK20 thực dân Pháp cho xây dựng thêm nhiều công trình đô thị mới như: trường Quốc Học, bệnh viện, hệ thống khách sạn, công sở, nhà hát, nhà thờ, tòa giám mục, làm thêm hệ thống đường sắt và nhà ga. Do đó trong 3 thập kỷ của TK20, Quy Nhơn nhanh chóng được đô thị hóa trở thành một thành phố cảng biển lớn của khu vực. Ngày 30-4-1930 toàn quyền Đông Dương Pasquier đã ra nghị định nâng cấp Tp. Quy Nhơn lên thành phố cấp 3 (Commune de Quy Nhơn). Đây là một trong số ít đô thị ở nước ta thời bấy giờ đạt tiêu chuẩn thành phố cả về phương diện hành chính lẫn kinh tế. Trong suốt chiều dài lịch sử, Quy Nhơn từng là địa bàn chiến lược xung yếu, nơi hội tụ các nền văn hóa Sa Huỳnh, Đông Sơn, tiếp thu các giá trị văn hóa Đông Nam Á, Tây phương hình thành nên những ngành nghề truyền thống nổi tiếng như đóng tàu thuyền, khai thác hải sản, yến sào, dệt may, kiến trúc, xây dựng….Năm 1909-1910, đất Quy Nhơn từng in đậm hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành dừng chân thăm cha trên đường từ Huế vào Nam tìm đường ra nước ngoài, cứu nước. Quy Nhơn đã một thời (1930 – 1945), từng là cái nôi của làng thơ Bình Định quy tụ những tên tuổi lớn trên thia đàn Việt Nam như: Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Hàn Mặc Tử…. Nhân dân Quy Nhơn hiếu học, cần cù, thuợng võ, trọng nhân nghĩa, có tinh thần kiên cường chống thù trong, giặc ngoài. Điều đó thể hiện qua nghệ thuật tuồng, ca dao, dân ca và những lời hát ru ngọt ngào tình quê hương, đất nước. Phủ Quy Nhơn, TK18 có cuộc khởi nghĩa của chàng Lía làm rung chuyển ách thống trị của phủ thành phong kiến. Tiếp theo là cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn đã lật nhào sự thống trị Đàng Trong, Đàng Ngoài, chấm dứt trên 200 năm đất nước chia cắt, đập tan 5 vạn quân Xiêm, trên 20 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn là nơi gặp gỡ, thể hiện của lòng yêu nước, khát vọng đấu tranh vì sự thống nhất, độc lập tự cường của một dân tộc. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân Quy Nhơn đã thực hiện chủ trương “Vườn không nhà trống”, chấp nhận hy sinh lớn lao, tự phá đi những công trình đô thị, nhà cửa, đường giao thông và công sở, những thành tựu lao động hàng trăm năm để bước vào cuộc kháng chiến. Nhiều đường phố đã được đục thông nhau, trở thành chiến lũy chống quân thù. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp được trả bằng xương máu và thành quả hàng trăm năm đô thị hóa. Năm 1954 Tp. Quy Nhơn chỉ còn lại 6 đường phố và chưa đến 10.000 dân. Là điểm tập kết 300 ngày, Quy nhơn là nơi bàn giao cuối cùng giữa chúng ta và thực dân Pháp. Từ 1954 đến 5-1955 nhân dân Quy Nhơn lưu luyến tiễn đưa bộ đội, cán bộ và con em của mình tập kết ra miền Bắc. Đây là nguồn nhân lưc quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ và xây dựng CNXH sau này. Suốt 21 năm Mỹ – Ngụy luôn xem Quy Nhơn, Bình Định là địa bàn mất an ninh nhất trong 44 tỉnh thành ở miền Nam, chúng tập trung lực lượng lớn quân viễn chinh tinh nhuệ và hung bạo, các sư đoàn thiện chiện như Không Vận Số 1, Mảnh Hổ, Sư Đoàn 22… hòng đè bẹp phong trào cách mạng ở nơi đây. Trong những năm tháng đen tối nhất nhân dân Quy Nhơn vẫn hướng về Đảng và cách mạng, nhiều cơ sở hợp pháp bất hợp pháp được xây dựng. Các đồng chí bí thư Thị ủy đã anh dũng hy sinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước: Phạm Tiến, Trần Độc, Biên Cương….Dưới sữ lãnh đạo của Thị ủy, những cuộc đấu tranh chính trị, quân sự và binh vận liên tục mở ra. Tháng 9-1964, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của hàng ngàn ngư dân Phước Lý nhập thị đã buộc đích thân thủ tướng Ngụy quyền Nguyễn Khánh phải 2 lần ra Quy Nhơn giàn xếp. Ngày 10-2-1965, đoàn tập kích của nhân dân Quy Nhơn đánh sập khách sạn Việt Cường tiêu diệt hơn 50 sỹ quan Mỹ làm rung động lầu Năm góc. Chiến tranh đã để lại cho vùng đất này những hậu quả nặng nề. Từ sau năm 1975 – 1985 đã hàn gắn vết thương chiến tranh, biến Quy Nhơn từ một thị trường tiêu thụ của Mỹ thành một thành phố sản xuất dịch vụ. Với kết quả đó tháng 7-1986 HĐBTđã quyết định mở rộng và nâng cấp thị xã lên thành phố trực thuộc tỉnh Nghĩa Bình.
Đầm Thị Nại – đầm lớn nhất tỉnh Bình Định, rộng 300ha, Bắc Nam: 12-13km, đông tây 3-4km. Tên thật là Hải Hạc Đàm, nhưng tên này đã bị tên Thị Nại làm lu mờ từ khi chữ Pháp đã thay chữ Hán trong học đường. Các chi phái sông Côn, sông Hà Thanh đều chảy xuống đầm chia bờ phía Bắc và bờ phía Tây thành nhiều cửa, nhiều lạch, nhiều bãi, nhiều doi…. Tp. Quy Nhơn làm bờ phía Nam. Dãy Triều Châu chạy từ Cách Thử đến Phương Mai, làm bờ phía Đông. Nước đầm chảy ra cửa biển Quy Nhơn qua hai “răng nanh giao mũi” là Gành Hổ và mũi Cổ Rùa. Nước đầm theo thủy triều mà lên xuống, khi lên thì lênh láng, tàu thuyền đi lại dễ dàng. Những khi có gió thì sóng dậy như biển. Còn khi nước xuống thi lòng đầm bị lộ, bùn lầy lênh láng. Cá Thị Nại, Triều Châu ngon không thua cá nước ngọt. Có tiếng ngon nhất là cá nục. Giống cá này có nhiều thứ, được ưa chuộng nhất là cá nục Vọng, bị hất hủi là cá nục Gai. Để bên vực cá nục Gai chi bán cá vừa bán vừa hát:
Cá nục Gai bằng hai cá nục Vọng
Vợ chồng nghĩa trọng, nhơn ngãi tình thâm
Xa nhau muôn dặm cũng tầm
Gặp nhau hớn hở tay cầm lời trao
Cá Nục ngon nhất là tại Gò Bồi. Tp. Quy Nhơn phồn thịnh, một phần nhờ Đầm Thị Nại ngày nay có thêm khu kinh tế Nhơn Hội. Về phong thủy theo các thầy địa lý thì Gành Hổ và Mũi Cổ Rùa là hai cái răng làm cho đầm Thị Nại trở nên cuộc đất “Thủy khẩu giao nha”, rất tốt vì nước tích trữ tài lộc cho các miền xung quanh nghĩa là cả về vật chất lẫn tinh thần, Tp. Quy Nhơn phụ thuộc vào đầm Thị Nại là không ít.
Cầu Thị Nại: Là công trình thuộc dự án phát triển Quy Nhơn – Nhơn Hội, khởi công ngày 3/11/2002, khánh thành lúc 14h30 ngày 12/12/2006, sau 3 năm xây dựng, nối thông bán đảo phương mai rộng lớn có diện tích tương đương với Tp. Quy Nhơn. Tòan tuyến gồm đường dẫn và 5 cây cầu bắc qua sông Hà Thanh dài 7.028,16m. Cầu Thị Nại dài 2.477,3m, rộng 14,5m, trọng tải 80 tấn gồm có 2 mố, 53 trụ, 54 nhịp 95 nhịp dầm hộp liên tục và 49 nhịp dầm dẫn), đây là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, tổng đầu tư hơn 582 tỷ đồng, tổng kinh phí xây dựng 363,6tỷ. Dự án cầu có kết cấu hiện đại, dầm hộp bêtông cốt thép dự ứng lực, có khẩu độ nhịp 120m. được thi công xây dựng theo công nghệ tiên tiến. Do công ty VIC – Việt Nam – Cu Ba xây dựng (công ty Quality Couriers International – Q.C.A, của nước cộng hòa Cu Ba đã được chọn làm tư vấn, giám sát công trình. Công ty Q.C.I đã từng xây dựng KS Thắng Lợi trên Hồ Tây, Hà Nội. Đường Sơn Tây – Xuân Mai, làm tư vấn giám sát đường mòn HCM tuyến Xuân Mai – Kon Tum dài 1.100Km)
Km 1220 – Từ ngã ba Phú Tài ta sẽ qua cầu Diêu Trì bắc qua sông Hà Thanh để vào thị trấn Diêu Trì
Sông Hà Thanh – nước mãi trong xanh: Bắt nguồn từ miền rừng núi ở phía Tây Nam của huyện Vân Canh với độ cao 500m so với mực nước biển, chảy theo hướng Đông Nam – Đông Bắc, chảy qua huyện Tuy Phước đến Diêu Trì thi chia làm hai nhánh một chi tục gọi là sông Tọc (Cầu Úc) chảy xuống đầm Thị Nại ở phía Đông, một chi gọi là sông Ngang (cầu Bình Thạnh và cầu Đôi) chảy qua Tp. Quy Nhơn rồi đổ ra đầm Thị Nại. Hà Thanh và Trường Úc tiếp tục chảy vào Tp. Quy Nhơn đổ ra cửa Hưng Thạnh và Trường Úc. Có chiều dài 58Km, 30Km chảy qua rừng núi, lưu vực sông 539Km2.
Diêu Trì- Km 1219: Là huyện lỵ của huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Diêu Trì còn có một âm khác là Dao Trì, vì hai vần iêu và ao có quan hệ chuyển đổi như: sai biểu -> sai bảo, hiếu danh -> háo danh…. Dao Trì vốn có nghĩa là “cái ao bằng ngọc dao:, tức là nơi có cảnh đẹp, có người đẹp ở – cõi tiên. Sách Liệt Tiên Truyện chép: Trong dãy núi Côn Lôn, trên đỉnh Quy Sơn, có cung điện của Tây Vương Mẫu, bên trái có Dao Trì (ao ngọc), bên phải có giòng Thúy Thủy (nước xanh). Phạm Thái trong “Sơ Kính Tân Trang” đã sử dụng tên gọi này trong tác phẩm của mình:
“Muời lăm năm nhẫn tháng ngày,
Dao Trì lại được sánh bầy thiên tiên”.
Cách đặt địa danh Diêu Trì tương tự như Bồng Sơn – nghĩa là “non Bồng”, cõi tiên – phản ánh ước mơ quê hương mình đẹp như cõi tiên của cư dân Bình Định.
Qua hết thị trấn Diêu Trì ta vào Tuy Phước – cái nôi của hát Tuồng Bình Định.
Km 1218 – Tuy Phuớc Cái nôi của hát tuồng Bình Định: Nguồn gốc của từ tổ Hát Bội: Theo từ điển Việt – Bồ – La (1651) của A. de Rhodes, “cái bội”: nhà làm giả dành để đốt cho người chết. Trong lịch sử chữ Quốc ngữ (1620-1659) của Đỗ Quang Chính, Sài Gòn, Ra Khơi, năm 1972, trang 120 có viết về tết Đoan Ngọ như sau: …”Thiên hạ ăn tết ngày ấy cùng đi bơi thuyền, gọi là đi tìm người ấy (tức Khuất Nguyên) dưới biển đến bãi hát bội cũng vậy. Như thế, hát bội có lẽ lối hát cầu hồn hay cầu siêu cho người đã chết. Trong Việt Nam Tự Điển (1931) của hội Khai Trí Tiến Đức có ghi nhận: Bội: cuộc diễn trò, cuộc hát tuồng: hát bội. Lễ cúng đốt mã về ngày rằm tháng bảy: trong tháng bảy chẳng bội thì chay. Hát bội có lẽ là lối hát cầu siêu cho người chết, sau chuyển thành tên gọi lối hát tuồng tích xưa. Từ đầu TK20 trở về trước không có từ hát bội, có lẽ người ta không hiểu rõ bội trong hát bội là gì, người ta sửa lại hát bộ la “lối hát có điệu bộ” nhiều thấy có lý nên gọi theo. Vả lại từ bội trong hát bội lại đồng âm với từ bội trong phản bội, bội bạc nên người ta không thích dùng bằng hát bộ. Hát bội – lối hát cầu siêu cho người chết và hát bội – lối hát tuồng có đặc điểm chung là thiên về cái bi nên có thể tên gọi truớc là tiền thân của tên gọi sau. Có thể trước khi co lối hát tuồng du nhập vào nước ta từ thời Lý (1010 – 1225), nuớc ta đã có lối hát bội cầu siêu cho người chết. Sau đó, người Việt đã dùng tên cũ để gọi lọai hình sân khấu mới du nhập.
– Tuồng: là lọai hình sân khấu quý tộc, ngày càng được bình dân hóa. Còn chèo là lọai hình sân khấu dân gian, ngày càng được chuyên nghiệp hóa. Về nguồn gốc: Tuồng có nguồn gốc từ sân khấu Trung Quốc, du nhập vào nước ta dưới thời Lý, do Lý Nguyên Cát hướng dẫn. Còn chèo hình thành từ nông thôn miền Bắc Việt Nam. Về kịch bản: Tuồng có kịch bản hòan chỉnh. Chèo cũng có kịch bản nhưng diễn viên phải ứng diễn nhiều hơn. Về nhân vật: Nhân vật chính của tuồng thuộc tầng lớp thượng lưu như vua chúa. Nhân vật cao cấp nhất trong chèo cũng chỉ là tri huyện, thuộc tầng lớp thấp. Về trang phục: Đạo cụ, trang phục của tuồng rất nhiều còn đạo cụ, trang phục của chèo ít, giản dị. Về tính chất: tuồng thiên về bi còn chèo thiên về hài. Về khán giả: chèo được khán giả miền Bắc say mê còn tuồng được khán giả Nam Trung bộ và Nam bộ ưa thích nên tuồng phát triển mạnh ở vùng đất phía Nam.
– Có nhiều nhà nghiên cứu sân khấu hát bội cho rằng tuồng vốn bắt đầu từ hát ả đào, hát chèo ở miền Bắc cùng với lối hát ở địa phương ảnh hưởng Chămpa mà sáng tạo nên. Có lẽ danh nhân văn hóa Đào Duy Từ đã đưa lối hát này vào Đàng Trong nhưng phải đến TK17 vào đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ở Bình Định cũng như Đàng Trong mới manh nha một lọai một lọai tuồng hát được Thích Đại Sán mô tả trong cuốn “Hải Ngọai Ký Sự” khi ông đến Thuận Hóa giảng kinh Phật. Từ đó lọai tuồng này cải biên ngày càng thêm đẹp, thêm hay cho phù hợp với nhu cầu cuộc sống, nhu cầu thẩm mỹ của quê hương, xứ sở. Người Bình Định đã tiếp thu, sáng tạo nghệ thuật sân khấu tuồng trên cơ sở dân ca – dân vũ vốn có của mình để làm cho hát bội Bình Định phát triển rực rỡ, thăng hoa đến đỉnh cao.
– Thời gian trước khi cụ Đào Tấn về hưu lập Học Bộ Đình, ở Bình Định đã có những tài năng được phong Chánh ca, Phó ca. Họ lập ra những gánh hát và truyền ghề cho nhau: Cha dạy con, người trước dạy người sau, xưa bày cho nay cứ thế mà phát triển, trưởng thành và tồn tại với thời gian. Hát bội đến thời kỳ hưng thịnh là lúc cụ Đào Tấn về trí sĩ ở quê nhà, lập Học Bộ Đình Vĩnh Thạnh Tuy Phước, thu hút các gánh hát tài năng ở các làng về đào tạo bài bản, nâng tay nghề nghệ nhân lên cao. Vì vậy cụ là Hậu Tổ của nghề hát bội ở Việt Nam. Từ Học Bộ Đình này tỏa sáng khắp làng thôn sản sinh ra trăm gánh hát bội ở hương thôn, thị tứ, thị trấn làm cho hát bội trở thành một biểu hiện đặc sắc của văn hóa làng ở Bình Định. Các gánh hát có tay nghề cao cùng với nội dung vỡ tuồng hấp dẫn nên ngày cáng hấp dẫn được nhiều tầng lớp: Lớp trưởng giả, lý hương trong làng họ là những người giàu có và nắm chức quyền ở hương thôn. Họ thưởng thức hát bội bằng tiếng trống chầu khen chê nghệ sĩ. Một đám hát có đến 3 trống chầu, người cầm roi chầu là hương lý trong làng. Tiếng trống chầu dục giã là động viên người diễn. Cũng có lúc họ chế trách diễn viên hát không đúng. “Nghe trống chầu cắm đầu mà chạy”. Các nhà phú hào mang theo tiền đi xem hát là để tung tiền lên sân khấu tặng nghệ sĩ hát hay múa đẹp. Lớp khán giả này đi xem hát là để tiêu khiển cho cuộc đời nhàn rỗi. Họ nhìn nghệ sĩ dưới con mắt “xướng ca vô lọai”. Lớp khán giả đông đảo nhất là nông dân nghèo, bất kỳ đàn ông hay đàn bà cũng say mê hát bội. Nhờ quanh năm làm ăn vất vả giữa quê hương hát bội, nhờ đi xem hát bội truyền đời nên họ biết cảm nhận cái đẹp trong hát bội, biết nhận xét nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Chẳng hạn: Quan Vân Trường thì Muời Thân đóng hay hơn Chánh ca, Phó ca. Hòang Phi Hổ thi Bầu Thơm đóng hay hơn Chánh ca Chạng…Có nhiều người quanh năm suốt tháng đầu tắt mặt tối lo bát cơm, manh áo không có thời gian đi xem hát bội suốt ngày suốt đêm. Họ làm việc ở nhà mà tai vẫn nghe tiếng trống chiến, trống chầu. Nhiều tuồng hay họ biết diễn viên đang diễn tới đâu và làm điệu bộ gì trên sân khấu.
“Nghe trống chầu cắm đầu mà chạy
Nghe trống chiến không khiến cũng đi”
Họ biết rõ đào nào hay hơn đào nào, đào nào hay thể hiện xuất sắc vai điên, vai bi, đào chiến…
“Mẹ ơi dừng đánh con đau
Để con theo hát làm đào mẹ xem”
“Bầu Đông đóng Lý Phụng Đình
Dầu chồng có đánh thì mình cũng đi”.
Trải qua nhiều TK thăng trầm, hát bội ra đời, tồn tại và phát triển gắn bó với đời sống làng xã trên đất Bình Định cho đến ngày nay. Nghệ thuật sân khấu này đã ghi dấu vàng son trong tâm hồn người Bình Định ngày xưa, hôm nay và cả mai sau. Có được như vậy là nhờ nghệ thuật hát bội mang đậm tính nhân dân mà nhân dân dưới chế độ cũ chủ yếu là nông dân. Đời sống tâm linh của người Bình Định ngày xưa gắn liền với cầu cúng, tế lễ các đình, chùa, miếu trong làng quê, ít nhất cũng xuân thu nhị kỳ. Cho đến ngày nay vẫn còn cầu ngư, cầu mưa, cầu mùa bội thu rải rác ở đó đây. Theo lệ thường ở các làng sau phần lễ là cúng tế thì phần hộibao giờ cũng phải có diễn tuồng, các vỡ thường được diễn là “Quan Công Phò Nhị Tẩu”, “Hộ Sanh Đàn”…Hát bội là hát cho linh hồn người khuất đã yên vui, hát cho người đang sống hưng phấn tiếp tục lao động xây dựng quê hương, xây dựng cuộc đời tuơi đẹp hơn. Như vậy thật là thiếu sót nếu nói Bình Định chỉ là miền đất võ.
Ngã tư Cầu Gành: rẽ phải theo QL 19 28Km sẽ đến Bảo tàng Quang Trung
Km 27 – Rượu Bàu Đá: rẽ phải vào xóm Bàu Đá. Tiếng tăm của rượu Bàu Đá đã lan rộng trong và ngoài nước, đã in dấu trong thơ ca nhạc họa, đã xuất hiện trong giai thoại làng văn nghệ, đã trở thành sự nhắc nhở thân tình của bạn hữu mỗi khi gặp người Bình Định ghé ra tỉnh ngoài: “Có mang Bàu Đá không”. Vừa rồi chúng tôi có về xóm Bàu Đá, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện an Nhơn, may mắn chúng tôi đã gặp một ông cụ 92 tuổi còn minh mẫn bên cạnh ngôi miếu cổ có tên là miễu Bàu Đá cạnh cái bàu nước mang tên Bàu Đá. Chính cái bàu nuớc này đã cung cấp cho rượu một cái tên bất hủ. Ông kể, nó là một bàu nước như mọi bàu nước khác ở làng quê Bình Định, nơi gia đình ông được đánh bắt, câu, tát để làm tươi những bữa cơm quê. Trong Bàu có đủ loại rô, trê, chép, giếc, tràu, lươn, chạch….Nhưng bây giờ Bàu đã cạn, ông và con cháu dùng để trồng rau muống. Rượu Bàu Đá được các gia đình cất từ gạo, như một thứ nghề gia truyền. Gạo nào cũng nấu được rượu nhưng kém nước. Gạo nấu được nước là gạo Ô – môn hạt tròn. Cho nước ngon nhất phải kể là gạo lúa Trì, hột gạo đỏ nhưng nước rượu lại trong và ngọt. Về men thì dùng men ta có độ ngọt hơn men rượu cần. Dù men rượu cần hay men rượu ta đều ở thể khô, màu trắng đục lẫn vỏ trấu, vì người ta vo viên khi còn ướt bỏ lên trấu nên dính vào. Trước kia người ta dùng men Mậu (do gia đình ông Mậu sản xuất). Men Mậu lớn viên, mỗi viên to bằng cái chén uống nước, hơi xẹp, giờ đã thất truyền. Trên thị trường chỉ còn lại men thường, mỗi viên bằng hòn đá nhỏ. Thường thì 5kg gạo cho vào 32-35 viên men. Người cất rượu thành thạo cho rằng cứ 5kg gạo thì đổ 2 gầu nước, mỗi thạp đựng 2,5kg. Cứ 5kg gạo cho ra 3 lít rượu nhứt + 3,5 lít rượu nhì + 4 lít rượu ba. Nhà lò nấu cơm rượu, xới ra để nguội, bóp rời rồi rải đều trên mặt nong. Giã men thật nhỏ, rây lên trên cơm cho đều, không đều thì cơm rượu sẽ bị nhớt. Rắc đều men xong thì vô thạp để 3 đêm. Nóng quá hay lạnh quá đều dể hư rượu. Tiết Nam già trời nóng bức rượu cũng kém nước. Vì thế, mùa hè thì nhà lò để thạp chỗ có gió mát, thỉnh thoảng xối nước lạnh ngoài thạp. Tiết mưa thì bịt ni lông đậy cho ấm để rượu ngon. Ngoài thôn Cù Lâm, những vùng xung quanh như An Thành, Tân Lập, Tráng Long… đều có nấu rượu. Tương truyền người Trung Quốc cổ chỏ gầy rượu mà uống. Đời Nguyên, họ du nhập phép nấu rượu, qua cách của A Lý Khuất từ Nam Phiên. Theo “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn: Trước hết làm một cái lỗ ở bên cái bình không, tháp vàp một ống tre làm cái mỏ. Ở dưới đặt một cái bình không nữa, miệng cái bình này tiếp lấy cái mỏ của ống tre trên. Ở ven miệng bình lấy mảnh sành trắng chèn nhét cho kín, hoặc mảnh ngói cũng được. Lấy xơ nhồi với vôi nhét kín cho đầy, chất vôi bị đốt thì cứng. Lấy độ 2-3kg than nấu ở ven bình, khiến rượu trong bình sôi, bốc hơi lên cái bình không, theo cái ống tre, nhỏ giọt vào cái bình không. Phải nói phương pháp nấu rượu Bàu Đá của cư dân quanh vùng này đại loại cũng không rời các nguyên lý trên. Và từ xưa đến nay rượu Bàu Đá chính hiệu vẫn được chưng cất qua quy trình thủ công, chứ chưa hề sản xuất trong nhà máy công nghiệp tối tân như các loại rượu danh tiếng trên thế giới. Mà rượu này nổi tiếng là cái sự thủ công ấy, ở đôi quang gánh tre mây cô thôn nữ gánh ra chợ làng, ở cái nậm sành, nậm đất vò thạp thô sơ giấu trong lòng nó dòng lửa bằng nước. Rượu Bầu đá chính gốc là như thế đó. Khi chế một ít rượu vào khô mực khô cá và bật diêm lên, thì màu lửa trong trẻo bùng lên từ rượu tẩm, đủ sức làm thơm dĩa mồi truyền thống. Mấy bác nông ân chiều về bên bờ ruộng nướng cua, cá bằng cỏ tẩm thêm tý rượu Bàu Đá cho bén, cho thơm. Rượu Bàu Đá có lửa đã đành. Rượu Bàu đá còn có cả băng tuyết. Nếu ta sờ vào da chum, da binh đựng rượu là mát lạnh tay.
– Một giọt rượu nhỏ lên da, cái mát lạnh truyền tận đến tim – ấy là thưởng thức rượu bằng xúc giác. Rót rượu Bàu Đá phải biết nhấc vòi lên cao một tý, để nghe tiếng rượu như một hợp âm huyền diệu, thính giác bắt đầu nhập cuộc. Chính độ cao thấp của vòi rượu quyết định vẻ đẹp của chén rượu. Chén rượu đầy đặn mà vẫn không tràn gọi là vun. Thị giác sẽ no nê bởi cái sống động của tăm rượu như con cá sống nằm thở ở đáy chén. Nâng chén rượu ngang môi chưa uống vội, hãy nheo mắt tận hưởng mùi thơm tỏa riu riu khắp mặt mày qua những sợi khói vô hình. Nhấp nhẹ một tý, bọt sủi tăm đóng cườm quanh miệng, lặng nghe vị giác lâng lâng, ngấm dần, uống đến đâu biết đến đấy. Cái nồng nàn, cái ý vị sẽ không tả nổi, nhất thiết phải khà một tiếng, thật là đã vậy! xúc giác, thính giác, khứu giác, thị giác, vị giác – ngũ quan thưởng thức rượu. Các bậc mày râu tài hoa mấy cũng thưởng thức tới ngũ quan là hết, còn thưởng thức rượu bằng giác quan thứ sáu là tài làm mồi nhắm rượu của các bà vợ. Mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm – đó là biệt tính của rượu Bàu Đá. Người bị cảm nhiễm mưa nắng, cách chữa công hiệu nhất là tới một lò rượu, xin phép chủ nhà rồi tự tay hé giở nắp nồi, đón lấy hơi rượu xông lên nghi ngút, từng chân kẽ tóc mồ hôi túa như mưa, lau khô một lượt thế là khỏe. Người Bình Định trong nhà luôn có góc (xị) rượu Bàu Đá ngâm tỏi hoặc ngâm tiêu đề phòng gió máy, đầy hơi lạnh bụng. Con nhà võ thường ngâm thuốc bí truyền của từng môn phái để dùng. Xung quanh rượu Bàu Đá, người ta thêu dệt nhiều huyền thoại. Có người bảo đó là rượu Chămpa ngày xưa nấu để tiến vua, có người bảo nó là rượu lưu dân bắt đầu từ thời mở cõi hay tên gọi là rượu Cô Đấu -> Bà Đấu -> Bầu Đá…. Một đêm nào đó với bạn bè tri kỷ, ngồi xếp bằng quây quần trên đất, dưới ánh trăng: “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu. Dữ ngã đồng tiêu vạn cổ sầu” – “Mời anh uống cạn một chén rượu, cùng tôi quên hết sầu muộn xưa”
Trống trận Quang Trung: Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt và bảo tàng Quang Trung được xây dựng bên bờ sông Côn, thuộc thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành nơi xưa có nền nhà của ông bà Hồ Phi Phúc – song thân của các vị thủ lĩnh Tây Sơn, nay là khối 1 Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách Tp. Quy Nhơn 50km về hướng Tây Bắc theo QL19. Hiện nay đánh trống trận Quang Trung xuất sắc nhất là chị Nguyễn Thị Thuận, sinh năm 1960, người thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành, nhân viên Bảo tàng Quang Trung. Trống trận Quang Trung ra đời cùng phong trào Tây Sơn và được Nguyễn Huệ cho biểu diễn để cổ vũ binh sĩ trong quá trình đánh Nam dẹp Bắc và được nhân dân lưu truyền và gìn giữ hơn 200 năm nay. Chị Thuận học đánh trống Quang Trung từ cha ruột – ông Nguyễn Đào, người chăm lo nhang khói tại điện Tây Sơn và đánh trống trận Quang Trung vào dịp cúng lễ từ trước năm 1975. Dàn trống gồm 12 cái lớn nhỏ khách nhau được làm bằng gỗ quý và da hiếm để chúng tạo thành những âm độ khách nhau, mỗi chiếc được mang tên một con giáp. Dàn Trống được xếp theo hình vòng cung (bán nguyệt hay sơ nguyệt) 3 bậc: Bậc đầu 3 cái, bậc thứ hai 4 cái, bậc ngoài cùng 5 cái và cái trống lớn nhất đặt ở giữa, loại có âm lược lớn được xếp gần người đánh, loại có âm lượng vừa và âm lượng thấp được xếp xa hơn. Đánh trống thì cặp dùi trống phải bay lượn trên 12 mặt trống một cách tài tình, điệu nghệ với những nét vừa bay bướm lã lướt vừa cứng rắn, dứt khoát bởi vì âm thanh phát ra tạo thành giai điệu, tiết tấu mang nhiều sắc thái khác nhau do cách sử dụng dùi trống (thông thường dùi trống một đầu để cầm và một đầu để đánh, còn ở đây có khi đánh cả hai đầu, cầm ở giữa) tác động vào các vị trí khác nhau hay ngược lại tạo nên những âm thanh kép thú vị chẳng khác nào hai nốt nhạc kép trong một bản nhạc cổ điển của đàn Gitar. Có khi hai dùi trống liên tục tác động với một kỹ thuật khéo léo tạo thành loạt âm thanh như xâu chuỗi hạt lóng lánh… nghe rất hấp dẫn. Âm điệu như một dòng chảy qua nhiều nơi với địa thế khác nhau tạo thành lúc thì như thác đổ, lúc như suối reo, lúc như sông trườn mình cuồn cuộn, lúc như tiếng ngựa dồn dập…. Bắt đầu là hồi Xuất Quân: Từ dàn trống vang lên tiếng vó ngựa phi nước đại, cuồn cuộn, rầm rập đầy khí thế quyết chiến, quyết thắng. Tiếp đó trống chuyển sang âm vang thúc dục một cách dồn dập và lại như có tiếng reo hò xung trận của ngàn quân, tiếng binh khí vun vút, chan chát đó là lúc trống trận Quang Trung chuyển sang hồi Hãm Thành. Cuối cùng tiếng trống trở nên trầm lắng rồi bổng vỡ oà trong niềm vui thắng trận trong hồi khúc Khải Hoàn với những giai điệu khoan nhặt thể hiện niềm vui chiến thắng và nỗi hân hoan, với tiết tấu nhẹ nhàng, hoà hợp biểu hiện sự thư giãn yên bình sau chiến tranh…
Võ Tây Sơn – Bình Định
“Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”
Điều này nói lên người Bình Định ai cũng biết đánh võ. Võ thời trước mang tính chất sát phạt, thể hiện ở các đòn thế hiểm hóc. Võ sỹ thách đấu và thủ đài, sẵn sàng gặp bất cứ võ sĩ, võ sư nào không phân biệt tuổi tác, giới tính, hễ ai hạ được là chiến thắng. Võ lúc ấy chưa hình thành bài bản như ngày nay, không mang tính chất biểu diễn và có ít võ đường. Dòng, phái truyền cho nhau là chính. Vì thế nó mang tính chất đặc thù của mõi dòng, phái có sự bí truyền và mai danh ẩn tích. Tinh thần thượng võ rất cao và không hạ thủ khi đối phương đấu hàng. Ngày trước hàng năm thường tổ chức ngày hội “Để Giàng” trên đài cao có đặt một con heo quay, trai gái tranh nhau bằng mưu lược võ nghệ làm sao dành được heo mang về làng mình. Từ đó chúng ta thấy rằng võ Bình Định đã ra đời sớm, quy tụ những võ sư tài giỏi mọi miền về đây và hình thức các môn phái, sáng tạo những bài quyền, bài kiếm, bài roi độc đáo…Thường thường trước khi học võ thì phải học văn vì biết võ mà không biết văn là võ biền, biết võ mà không lễ nghĩa đạo đức sẽ trở thành vô dụng, cường bạo. Do đó nhân, lễ, nghĩa, trí, tín là những quy pháp trong võ đạo.
– Tính dân tộc: Võ Tây Sơn – Bình Định nghiên cứu khá công phu với sự chọn lọc các môn võ khác kinh qua nhiều cuộc chiến tranh giữ nước. Trong các chiến công của Quang Trung, người ta nhận thấy võ thuật và binh pháp đã đóng góp một phần hết sức quan trọng. Các đòn thế võ Tây Sơn rất hiểm hóc. Ra đòn nhanh, biến hóa nhanh, lấy thủ làm công, lấy công giữ thủ song toàn, hư thực khó phân minh làm cho đối phương khó bề chống đỡ. Cấu tạo một bài quyền, bài thảo rất đơn giãn nhưng rất chặt chẽ và sắc bén, có sự hoạt động toàn thân, mang màu sắc dân tộc, không pha tạp lai căn. Chẳng hạn bài Hùng Kê Quyền của Nguyễn Lữ, Nguyễn Lữ người vốn mảnh khảnh tính nết hiến hòa, ưa thanh tịnh, khác hơn hai ông anh, ông học văn nhiều hơn học võ, tuy nhiên ông cũng đã học hết các môn võ và chuyên về môn Miên Quyền… Ông đã được thầy giáo Hiến chân truyền cho môn này. Qua nhiều lần xem đá gà, giữa gà chọi to lớn và gà trống bé hơn, ông thấy rằng ỷ gà chọi to cao đã ra đòn phủ đầu đối phương, nhưng chú gà trống đã nhanh nhẹn né tránh, thỉnh thoảng trả đòn cắn vào diều gà chọi và núp vào cánh đối phương đề bất thần đá những cú hiểm vào gà chọi, chủ yếu lấy nhu để thắng cương. Và từ đó ông đã rút ra những đòn thế hay nhất sáng tạo bài Hùng Kê Quyền lưu truyền sau này. Rồi bài Song Phượng Kiếm của bà Bùi Thị Xuân, hàng ngày bà cùng dân tập luyện ở thao trường trên núi, buổi tập nào bà cũng thấy một đôi chim phương đậu trên cành cây đùa nhau, bay lượn xem bà tập. Từ đó hàng đêm Bà cố mô phỏng động tác bay lượn, đùa nhau của đôi chim phượng và soạn rồi tập bài kiếm có tên là Song Phượng Kiếm. Bài kiếm này mới tìm được trong tập sách ”Tây Sơn danh tướng mộ hồn thao” do tướng Nguyễn Trung Như thời Tây Sơn để lại.
– Tính truyền thống: Võ Tây Sơn – Bình Định đã được hệ thống hóa các bài và truyền lại như bài quyền Thiền Sư, Ngọc Trản, roi Ngũ Môn, Trực Chỉ, Kiếm Hoa Mai… hầu hết dân Bình Định đều biết võ, biết để tự vệ không mang tính biểu diễn như ngày nay, nên võ thể hiện khá rõ nét tính quần chúng. Họ truyền cho nhau trong cha con, chồng vợ, anh em, cho người thân trong thôn xóm, bản ấp. Thậm chí những bài võ xa xưa vẫn được lưu truyền. Phương pháp truyền dạy vẫn giữ truyền thống võ đạo xưa. Những điều nên làm, những điều cấm đối với môn sinh vẫn giữ nguyên. Kính tổ, trọng thầy, mến bạn là ba điều tâm niệm chính.
– Tính đa dạng và liên hoàn: Nội dung võ Tây Sơn – Bình Định rất đa dạng và phong phú trong việc sử dụng 18 ban binh khí. Mỗi đòn thế, một bài thảo, bài roi hay quyền đều có sự liên hoàn, trước sau và kết thúc trọn vẹn, kết hợp hài hòa giữa yếu và mạnh, nhanh và chậm, tấn và thủ, thể hiện trí thức trong võ thuật, vì vậy bắt buộc văn võ phải song toàn. Các đòn thế rõ ràng đơn giãn nhưng tầm sát phạt hữu hiệu, bộ tay chân phối hợp liên hoàn, không sơ hở. Ba môn phái tiêu biểu là Thuận Truyền, An Thái, An Vinh và một số võ đường lấy tên võ sư đại điện cho môn phái.
Khiển Phạn – một cây roi tiền lợi hại, là đốc binh dưới quyền Mai Xuân Thưởng. Khi thất trận cuối cùng ở Bàu Sấu, Khiển Phạn đã lẫn về vùng Thuận Truyền, dạy roi cho ông Hồ Ngạnh hồi còn thiếu thời. Ba đề là một cây roi chiến hạng thượng thừa, cũng là thầy dạy Hồ Ngạnh. Ba Đề thanh mãnh, ít giao tiếp, dạy võ mà không coi kỹ tính học trò nên ông bị vạ lây. Một hôm, ông ở nhà thì có người chạy đến báo là học trò ông đang lâm bí trận. Ông vội nhảy về hướng người ta chỉ, quả nhiên có 2 học trò ông đang bị vây đánh. Ông nhảy vào giật một cây roi cản địch thủ, và quát học trò chạy thoát, ông chặn được dòng người đuổi theo. Mấy làng bên cạnh nghe tiếng mỏ cấp báo, liền tiếp ứng, lao vào đánh ông. Trận loạn đã kéo dài đến lúc mặt trời gần lặn, bổng co tiếng la lớn: Ông Ba Đề hổng phải là ăn cướp. Mọi người mệt rã rời, nghe tiếng la ấy mới dừng lại. Ông Ba Đề bị nhiều thương tích, lần về nằm bên con suối cạn. Hai học trò quay lại tìm, thấy Thầy đã thoi thóp. Họ cõng ông về tới nhà, ông mấp máy mấy lời rồi tắt hơi!
Hồ Ngạnh: Rút kinh nghiệm Thầy mình nên Hồ Ngạnh dạy học trò xem rất kỹ tính nết ngay cả con mình mà chưa đạt võ đức thì ông vẫn không chân truyền. Một đêm, Hồ Ngạnh đang trong nhà thì nghe tiếng lách cách tháo cổng chuồng bò. Biết là có trộm, ông liền lấy cây roi dựng ở xó cửa nhảy ra sân. Kẽ trộm không phải tay vừa, đã đón đánh ông tới tấp với những đường roi chỉ có ở đất Thuận Truyền quen thuộc. Nhưng địch thủ làm sao qua mặt ông được, ông đã ra miếng võ bí truyền. Bổng ông sựng lại nghe tiếng kêu thất thanh: …chết con rồi, cha ơi…Khi người trong nhà bưng đèn ra, ông nhận rõ đó là đứa con của mình. Đau đứt ruột, không có cách gì cứu nổi nữa. Ông biết con mình đã cao tay võ thuật, nhưng chưa rèn được võ đức, nên chưa thể truyền miếng bí truyền. Còn con ông lại thấy ông đã già, e khi quy tiên chưa kịp truyền hết ngón cuối cùng cho mình, nên anh ta giả cướp để mà học. Ai ngờ, anh ta không còn học được điều gì nữa.
Hùng Kê Quyền: Hùng Kê Quyền là do Nguyễn Lữ, qua nghiên cứu các thế gà đá nhau mà sáng tạo ra. Trong ba anh em nhà Tây Sơn, Nguyễn Lữ là người em thứ ba, lớn lên theo hai anh xuống Bằng Châu (An Nhơn, Bình Định) thụ giáo ông Đinh Chảng 2 năm rồi lên An Thái, theo học văn – võ cùng thầy Trương Văn Hiến. Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, tính nết hiền hòa, ưua thanh tịnh. Khác với hai anh Ông thích học văn hơn học võ. Tuy nhiên ông cũng học hết các môn võ và chuyên về môn Miên Quyền. Nguyễn Lữ đã được thầy giáo hiến truyền cho môn Miên Quyền. Có lẽ vì thể trạng và khí chất như vậy Ông đã nghiền ngẫm và sáng tạo ra Hùng Kê Quyền, một bài võ phù hợp với mình và thể chất của người Việt. Hùng Kê Quyền theo phương châm: Yếu có thể đánh mạnh, Thấp có thể đánh cao, Nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều. Qua nghiên cứu các thế gà đá nhau, ông đã áp dụng vào võ thuật, từ đó rút ra thế võ dùng yếu thắng mạnh, dùng mềm thắng cứng. Ông cũng nghiên cứu thế đá ào ạt tấn công của con gà lớn với cái thế chống đỡ của con gà nhỏ thường chui luồn, xỏ xỉa để rồi tạo ra các thế lặn hụp, tránh né, đến phản công. Cuối cùng ông đã sáng tạo ra bài Hùng Kê Quyền. Cùng thời điểm này thì Nguyễn Huệ sáng tạo ra bà Nghiêm Thương còn Bùi Thị Xuân thì sáng tạo ra bài Song Phượng Kiếm.
Nũ Tướng Bùi Thị Xuân (? – 1802): không rõ năm sinh, con của ông Bùi Đắc Kế quê xã Bình Phú, huyện Tây Sơn. Nữ tướng thời Tây Sơn, vợ của danh tướng Trần Quang Diệu, thuở nhỏ Bà tỏ ra rất thông minh, hiếu động, tính ngang tàng, thích làm con trai, thích múa kiếm, đua thuyền. Thầy dạy văn võ lúc ấy của bà là ông Ngô Mãnh. Ông từng làm quan Đô đốc dưới triều chúa Nguyễn, nhưng do bất mãn với quyền thần Trương Phúc Loan, ông đã dẫn theo cháu là Ngô Văn Sở trốn vào Quy Nhơn sinh sống nhờ sự cưu mang của gia đình Bà. Bùi Thị Xuân siêng năng luyện tập võ nghệ và trao đổi binh pháp cùng với Ngô Văn Sở. Vốn đã thông minh lại được thầy giỏi chỉ bảo tận tình nên 15 tuổi tài nghệ của bà trở nên điêu luyện. Ngôi nhà của Bà bổng nhiên trở thành trung tâm tập luyện võ nghệ. Khi khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra (1771), Bùi Thị Xuân cùng với chồng mình gia nhập nghĩa quân Tây Sơn. Bùi Thị Xuân được Nguyễn Nhạc giao cho trọng trách huấn luyện tân binh, thuần dưỡng và huấn luyện voi chiến, với biệt tài huấn luyện voi chiến, chỉ trong một thời gian ngắn bà đã thuần dưỡng huấn luyện thuần thục hàng trăm thớt voi chiến. Nói về cuộc khởi nghĩa và tòan bộ lịch sử chiến tranh nhà Tây Sơn đã tiến hành phải nhắc đến một binh chủng quan trọng đó là tượng binh, trong khi những người Xơ Đăng mang đến cho nhà Tây Sơn những con ngựa rừng thông minh, thì đồng bào Banar, Êđê, Chăm H’roi đã góp nhiều thớt voi để quân Tây Sơn sớm có đội tượng binh lợi hại đông về số lượng và được huấn luyện kỹ lưỡng. Một phụ nữ người Chăm ở Phú Yên là Chế Ava đã giúp Bùi Thị Xuân dùng các lọai lá rừng làm thuốc chữa lành các vết thương cho voi khi luyện tập cũng như trong chiến đấu. Và chính đội tượng binh đã góp phần lớn làm nên chiến thắng của vua Quang Trung phá tan quân Thanh ở Thăng Long. Năm 1789 tham gia đánh quân xâm lược nhà Thanh ở trận Ngọc Hồi (Thăng Long). Triều Tây Sơn sụp đổ, Phú Xuân rơi vào tay Nguyễn Aùnh, bà theo vua Cảnh Thịnh chạy ra Nghệ An, chỉ huy 5.000 quân chận đánh kịch liệt quân Nguyễn ở lũy Trấn Ninh, Quảng Bình. Tháng 02/1802, quân Nguyễn vượt qua Nhật Lệ, Quảng Bình đánh bại đội quân phòng ngự của Tây Sơn ở đây. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bỏ Quy Nhơn, theo ngõ thượng đạo ra miền Tây Nghệ An gặp bà. Hai vợ chồng xuống đến huyện Thanh Chương thì bị quân Nguyễn Ánh bắt đem về Phú Xuân hành hình. Chồng bà bị vua quan nhà Nguyễn xử tội lột da (có tài liệu ghi bị Chém đầu) còn bà cùng con gái độc nhất 15 tuổi bị xử tội voi dày. Theo tư liệu của một giáo sĩ phương Tây De la Bissachère – người có dịp chứng kiến cuộc hành hình đã miêu tả cái chết lẫm liệt của bà như sau: “Bùi Thị Xuân không hề biến đổi sắc mặt, tiến trước đầu voi một cách bình tĩnh, mấy tên lính thét la om sòm bảo Bà quỳ xuống nhưng bà vẫn thản nhiên bước tới. Voi lùi lại, bọn lính phải lấy giáo thọc vào đùi voi, con vật mới lấy vòi quặp bà tung lên trời
Bảo Tàng Quang Trung:
19h00 ngày 12/01/2004, tượng chín văn thần, võ tướng triều Tây Sơn gồm: Quang Trung, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân đã được nhập điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt tại khu vực Bảo Tàng Quang Trung thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Chín bức tượng được làm bằng chất liệu gốm dát vàng mang phong cách tượng thờ truyền thống do nhóm tác giả điêu khắc thuộc Công Ty Mỹ Thuật Trung Ương thực hiện. Kinh phí thực hiện này do Công ty Thành Lễ (Bình Dương) tài trợ thực hiện.
Ngô Văn Sở (? – 1795)
Ngô Văn Sở quê ở thôn Bình Thành, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, là con của ông Ngô Văn Diễn giữ chức Khinh xạ Vệ úy và bà Nguyễn Thị Mỹ. Ngay từ khi còn trẻ, Ngô Văn Sở là người giỏi võ nghệ và thông hiểu binh pháp. Ông kết nghĩa với Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân trước khi tham gia khởi nghĩa Tây Sơn. Sau đó cả ba người đều theo Tây Sơn và trở thành danh tướng của cuộc khởi nghĩa. Từ ngày tham gia phong trào Tây Sơn, Ngô Văn Sở trở thành vị tướng tài ba và thân cận của Nguyễn Huệ. Năm 1773, ông tham gia đánh quân Nguyễn trong các trận ở Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận. Năm 1783, ông theo Nguyễn Huệ đánh Nguyễn Ánh ở Gia Định và tham gia đánh quân Trịnh ở phía Bắc năm 1786. Năm 1787 , Ngô Văn Sở được cử làm Tham tán quân vụ, cùng Võ Văn Nhậm trấn thủ Thăng Long. Về sau, Võ Văn Nhậm có ý định làm phản nên bị loại trừ (5- 1788). Ngô Văn Sở được cử thay Võ Văn Nhậm làm Đại tư mã, lãnh trấn thủ Thăng Long, trông coi 11 trấn Bắc Hà. Trong thời gian này, các quan chức và tướng lĩnh được giao cai quản Bắc Hà như Nội hầu Phan Văn Lân, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Hộ bộ Trân Thuận Ngôn, Học sĩ Ngô Thì Nhậm đều theo Ngô Văn Sở giữ Thăng Long. Bắc Bình vương Nguyễn Huệ từng tin tưởng giao phó công việc Bắc Hà cho họ và căn dặn: “Sở và Lân là nanh vuốt của ta. Dụng và Ngôn là lòng dạ của ta. Nhậm là bề tôi mới của ta. Nay ta lấy cái việc quân vụ và quốc chính của 11 trấn Bắc Hà ủy thác cho. Ta thuận cho theo tiện nghi mà làm việc, phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì cũ mới mà xa cách nhau. Đó là điều mong mỏi của ta vậy…” (Đại Nam liệt truyện. Nxb Thuận Hóa – Huế, 1993, tập 2, tr. 513). Cuối năm Mậu Thân (1788), vua Càn Long nhà Thanh cử 29 vạn quân đo Tôn Sĩ Nghị chỉ huy kéo sang xâm lược nước ta. Trước binh lực hùng hậu của giặc Thanh, Ngô Văn Sở cho đánh cầm chân đích, rồi rút quân về giữ phòng tuyến Tam Điệp (Ninh Bình), cử Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết vào Phú Xuân cấp báo cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ đã đánh giá rất cao “nước cờ Tam Điệp” của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm. Trong cuộc kháng chiến chống Thanh, Ngô Văn Sở được vua Quang Trung cử làm tướng tiên phong đã góp phần vào thắng lợi huy hoàng chống quân xâm lược, giải phóng Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu (1789). Sau chiến thắng quân Thanh, Ngô Văn Sở cùng Phan Văn Lân, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích được trao nhiệm vụ trấn giữ Bắc Hà. Năm 1790, Ngô Văn Sở được Quang Trung giao cầm đầu sứ bộ gồm có Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Võ Huy Tấn, Vô Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công đưa Phạm Công Trị (người giả làm vua Quang Trung) sang Yên Kinh mừng thọ vua Càn Long nhân dịp 80 tuổi. Vua Thanh đón tiếp hết sức nồng hậu, cũng là một thành công về hoạt động ngoại giao của Ngô Văn Sở. Về nước, Ngô Văn Sở tiếp tục được giao nhiệm vụ trấn giữ 11 trấn Bắc thành cho đến thời Cảnh Thịnh. Năm 1795, vụ biến ở kinh đô Phú Xuân xảy ra, phe phái do Võ Văn Dũng cầm đầu buộc vua Cảnh Thịnh (tức Nguyễn Quang Toản) bắt nộp Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Sau khi dìm chết Bùi Đắc Tuyên, Võ Văn Dũng làm giả chiếu lệnh của Tiết chế Nguyễn Quang Thùy cho người bắt Ngô Văn Sở, cho là phe cánh của Bùi Đắc Tuyên, đóng gông giải về kinh, rồi trên đường đi cho dìm xuống sông. Đó là cái chết thê thảm của Đại tư mã Ngô Văn Sở do phe cánh thanh trừ lẫn nhau dưới thời Cảnh Thịnh. Ngô Văn Sở trước sau vẫn là một tướng lĩnh tài ba phục vụ hết mình vì sự nghiệp Tây Sơn. Dù sao đối với Thăng Long thời cực kỳ loạn ly ấy, Ngô Văn Sở đã góp phân ổn định trật tự xã hội, yên lòng dân. Việc ông nghe lời Ngô Thì Nhậm rút quân vụ Tam Điệp cũng nói lên một tư cách trọng lẽ phải, không sĩ diện.
Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803)
Ngô Thì Nhậm, tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, khi nghiên cứu Thiền học lại có đạo hiệu là Hải Lượng, sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (25-l0-1746). ông người làng Tả Thanh Oai (tên Nôm là làng Tó), huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Ngô Thì Nhậm là con trai cả của Ngô Thì Sĩ (1726-1780), một nhà sử học và là nhà thơ nổi tiếng lúc bấy giờ. Thuở nhỏ, Ngô Thì Nhậm được cụ nội (Ngô Trân) và ông nội (Ngô Thì Ức) dạy, sau học thân phụ. Ông bước vào con đường trước thuật rất sớm. Năm 16 tuổi (1761), dưới sự hướng dẫn của cha, ông đã viết công trình sử học đầu tiên, cuốn Nhị thập tứ sứ toát yếu. Năm 20 tuổi (1766), ông soạn cuốn Tứ gia thuyết phả và trước đó, năm 1765, ông đỗ đầu thi Hương.
Năm 1769, Ngô Thì Nhậm đỗ khoa Sĩ vọng, được bổ chức Hiến sát phó sứ Hải Dương. Với chức quan hành chính thất phẩm này, Ngô Thì Nhậm chính thức bước vào cuộc đời hoạt động chính trị, mong muốn thực hiện hoài bão làm một hiền thần như Y Doãn! Nhưng đến cuối năm 1771, Ngô Thì Sĩ mắc tai họa ở Nghệ An và bị cách chức, thì Ngô Thì Nhậm cũng lấy cớ đó mà cáo quan xin về. Năm 1772, ông dự khảo thí ở Quốc Tử Giám, trúng ưu hạng, và cũng năm này hoàn thành tác phẩm Hải Đông chí lược, chép “khá rõ ràng đây đủ” (lời Phan Huy Chú) về nhân vật, núi sông, số dân, thuế lệ của Hải Dương. Khoa thi năm Ất Mùi (1775), Ngô Thì Nhậm đỗ thứ 5 hàng Tiến sĩ tam giáp. Cùng đỗ khoa này có em rể ông là Phan Huy Ích, và người cùng làng là Nguyễn Nha. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ chức Hộ khoa cấp sự trung ở bộ Hộ. Năm sau được thăng Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, rồi lại thăng Đốc đồng trấn Kinh Bắc, kiêm Đốc đồng Thái Nguyên. Chức Đốc đồng một trấn ở dưới chức Trấn thủ một bậc, là một chức phó, có nhiệm vụ tra xét ngục tụng. Lúc này Ngô Thì Sĩ đang làm Đốc trấn Lạng Sơn, một trọng trấn biên giới, và như thế là “một nhà hai cha con thống lĩnh ba trấn và khống chế hai biên thùy”. Cha Đình nguyên, con Tiến sĩ “cha con đồng triều, phụ tử thế khoa”, “nổi tiếng văn chương với thiên hạ, trung thành cố kết với chúa thượng”, thời bấy giờ, đó là điều hiếm có; mà cha con Ngô Thì Nhậm cũng hết sức tự hào. Từ sau khi Trịnh Sâm lập Trịnh Cán làm thế tử, mâu thuẫn giữa các phe phái trong phủ Chúa ngày càng nghiêm trọng. Trịnh Sâm mất (1782), kiêu binh nổi loạn đưa Trịnh Tông lên làm chúa, khủng bố phe cánh đối lập Ngô Thì Nhậm bị hiềm nghi có dính líu vào vụ án năm Canh Tý (1780) nên phải bỏ về vùng Thái Bình (Sơn Nam) ẩn dật. Thời gian này, Ngô Thì Nhậm làm sách Xuân Thu quản kiến. Năm 1786, Tây Sơn ra Bắc dẹp tan họ Trịnh, lấy lại quyền bính cho vua Lê, Ngô Thì Nhậm được triều đình mời về phong chức Đô cấp sự trung bộ Hộ, thăng Hiệu thư kiêm Toản tu Quốc sử. Năm 1788. Tây Sơn lại ra Bắc, Lê Chiêu Thống bỏ chạy, Ngô Thì Nhậm được Trần Văn Kỷ tiến cử với Quang Trung, được Quang Trung yêu mến, trọng dụng, phong chức Công bộ Thị lang, tước Tình Phái hầu. Cuối năm 1788, khi 29 vạn quân Thanh sang xâm chiếm nước ta, Ngô Thì Nhậm là người có công lao lớn đóng góp vào sự nghiệp đại phá quân Thanh. Sau chiến thắng oanh liệt năm 1789 , Ngô Thì Nhậm được Quang Trung giao cho giữ vai trò chủ yếu trong công tác ngoại giao với nhà Thanh. Năm 1790, Ngô Thì Nhậm được thăng Binh bộ Thượng thư. Ngày 29 tháng 7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), Quang Trung mất sau một cơn bệnh đột ngột. Ngô Thì Nhậm được triều đình cử làm Chánh sứ đi sang Yên Kinh báo tang và cầu phong cho vua mới (1793). Quang Trung mất, Quang Toàn lên nối ngôi lúc mới 15 tuổi. Cái chết đột ngột của Quang Trung làm cho nội bộ Tây Sơn lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Trong tình hình chính trị rối ren của những năm cuối triều đại Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm đã không phát huy được tài năng và tâm huyết của mình như trước. Mặt khác, người hiểu ông, tin cậy trọng dụng ông là Nguyễn Huệ – đã mất. Từ nay, ông cũng như người bạn đồng thời là em rể là Phan Huy Ích cảm thấy mình “như bóng nhạn cô đơn”. ông tìm lối thoát trong triết học. Ông lập Thiền viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu và nghiên cứu Thiền học. Năm 1796, Ngô Thì Nhậm hoàn thành tác phẩm lớn cuối cùng của mình: Trúc Lâm tông chí nguyên thanh. Năm 1802, Nguyễn Ánh, sau khi đánh lấy Phú Xuân đã chiếm được Thăng Long. Triều đại Tây Sơn sụp đổ. Gia Long lên ngôi và tiến hành một cuộc khủng bố, trả thù dã man dòng họ Tây Sơn cùng các quan lại của Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm, một nhân vật trọng yếu của Tây Sơn bị nhà Nguyễn căm ghét, bắt giam. Ít lâu sau, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích bị đem ra kể tội và đánh đòn “thị nhục” tại Văn Miếu Thăng Long. Ngô Thì Nhậm “bị đánh chết”, theo chính sử (Đại Nam thực lục) của triều Nguyễn. Hôm đó là ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi (9-3-1803), ngày kết thúc bi thảm cuộc đời 57 năm của một con người mà tên tuổi gắn bó với một giai đoạn lịch sử oanh liệt của dân tộc. Ngô Thì Nhậm là một tài năng lớn trên nhiều lĩnh vực: chính trị, ngoại giao, văn học, sử học, triết học, quân sự… mà lĩnh vực nào cong có những cống hiến xuất sắc, in đậm dấu ấn của một nhân cách hơn người.
Nguyễn Huy Lượng (1750 – ?)
Giả sử như không có một chút tài liệu gì về tình hình kinh tế Thăng Long thời Tây Sơn thì Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng cũng có thể bù được phần nào chỗ khiếm khuyết đó. Nguyễn Huy Lượng quê làng Phú Thị, nay thuộc huyện Gia Lâm, có thời gian gia đình chuyển cư vào sống ở làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ (Hà Tây). Đời Lê Mạt, ông đỗ Hương cống, ra làm một chức quan nhỏ ở Bộ Lễ. Chỉ từ sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh, Nguyễn Huy Lượng nhận ra được con đường đúng đắn mà mình phải theo: dứt khoát đi cùng Tây Sơn. ông được triều Tây Sơn giao cho chức Hữu thị lang bộ Hộ, phong tước là Chương Lĩnh hộ, do đó người đời còn gọi ông là Hữu Hộ Lượng. Lúc Nguyễn Huy Lượng viết bài phú cũng là lúc nhà Tây Sơn đã suy vi, Quang Toản đã phải bỏ kinh đô Phú Xuân dời ra đóng đô ở Thăng Long. Vậy mà khi sáng tác, ngòi bút Nguyễn Huy Lượng còn say sưa, bay bổng, tung hoành với chế độ Tây Sơn rất giàu lòng tin yêu đối với chế độ ấy. Bài phú Tụng Tây Hồ là một kiệt tác của Nguyễn Huy Lượng nói riêng và của văn học cổ điển Việt Nam nói chung. Có người đã đánh giá như sau: “Yêu cầu của thể loại phú nói chung là phải trang trọng, réo rắt, diễm lệ. Nguyễn Huy Lượng đạt được cả ba”. Bài phú này có nội dung chủ yếu là ca ngợi cảnh trí Hồ Tây nói riêng, Thăng Long nói chung và qua đó ca ngợi sự nghiệp hiển hách vẻ vang của triều Tây Sơn. Hồ Tây với tư cách là một phần của kinh đô Thăng Long đã hiện ra thật mỹ lệ:
Sắc rờn rợn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng leo lẻo
Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng trăng rơi xuống mảnh nhò nho.
Hồ Tây đã ấp ủ bao truyền thuyết thơ mộng và kỳ vĩ, bao dấu vết lịch sử đẹp đẽ và hào hùng: Đền Mục Lang, quán Trấn Vũ, quán Thiên Niên, ghềnh Vạn Bảo, chùa Trấn Quốc… Nhưng quan trọng hơn là tác giả đã cho thấy sức sống của Hồ Tây, của Thăng Long. Đó là cuộc sống lao động cần cù của những người dân ven hồ, cuộc sống đang độ phát triển và chính do những chính sách cởi mở khuyến khích của Tây Sơn mà có. Đó còn là sự phồn thịnh trở lại của các nghề cổ truyền như dệt gấm, ươm tơ, đúc đồng, xeo giấy… là những sinh hoạt kinh tế nhộn nhịp, thuyền buôn tấp nập, chài lưới rộn ràng:
Rập’ rềnh cuối bãi Đuôi Nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm…
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng, Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm.
Sen vũng nọ nẩy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.
Và dù là viết về Hồ Tây thì cũng là viết về thành Thăng Long đang “hồi sinh” cùng với thắng lợi của nghĩa quân nông dân.
Tựa bóng hoa đặt quán Quan Ngư, kìa đời Gia Khánh
Đè mặt sóng đem đường Dụ Tượng, nọ thuở Càn Phù.
Thăng Long cũng có những lúc “nổi bụi tiêu tường”, “góp phần tang hải”. Nhưng từ khi có triều Quang Trung, Thăng Long cũng như cả nước ta như được “sống lại”, kẻ thù bị đánh tan, nhân dân được yên ổn làm ăn, núi sông như rửa sạch tủi hờn, cỏ cây cũng được khoe hương khoe sắc hy vọng. Trước sau Nguyễn Huy Lượng vẫn tán dương sự nghiệp của Tây Sơn, vẫn bày tỏ lòng trung thành đối với chế độ này vì chế độ này chính nghĩa. Cho nên với bài Tụng tây Hồ phú ta có thể nói rằng Nguyễn Huy Lượng là người đã vận dụng thể phú để sáng tạo nên một công trình cao hơn rất nhiều tầm cỡ một bài phú cổ điển thông thường. Hai nhà nghiên cứu Nguyễn Đổng Chi và Phương Tri đã có lý khi nhận định rằng bài phú này đã là “một bức bích họa về Hồ Tây từ trước chưa từng có, đồng thời cũng là một thiên sử ca tương đối quy mô về Thăng Long, mà cái ý nghĩa quý giá nhất, là nó đã được trực tiếp xây dựng nên dưới ánh sáng của phong trào nông dân khởi nghĩa, tiếp thu được đến chừng mực nào đó cái âm hưởng lạc quan đầy phấn khởi do một phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử mang lại. Với ý nghĩa là một áng sử ca, nó là những lời ca ngợi chân thành chiến công cứu nước của Nguyễn Huệ, chiến công có ý nghĩa đổi đời cho Thăng Long, và rộng ra là cả xã hội Việt Nam. Với ý nghĩa là một bức họa, phần nào đã ghi lại những khung cảnh sinh hoạt tươi đậm của Thăng Long dưới triều Tây Sơn”. Minh đô sứ cũng có ghi lại một chi tiết lý thú góp phần nói lên giá trị của bài phú này: “Nguyễn Huy Lượng hiến Tây Hồ tụng, Nhân tranh truyền tả, đô hạ vị chi chỉ quý”. Nghĩa là: ‘Nguyễn Huy Lượng dâng phú Tụng Tây Hồ. Người ta tranh nhau truyền chép, ở kinh đô giấy quý hẳn lên”.
Tới Mậu Thân từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhớ công đắng địch
Qua Canh Tuất lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triệm nhu.
Mậu Thân là năm 1788, năm Nguyễn Huệ lên ngôi vua. Canh Tuất là năm quân đội Tây Sơn tiêu diệt hết bọn làm loạn trong nước và bọn khiêu khích ở biên thùy. Rõ ràng Tây Son đã làm cho đất nước “rỡ vẻ tường vân”, “tưới cơn thời vụ’, tức rực rỡ mây lành, thấm đượm mưa nhuần. Dưới triều đại này, khắp nơi vui vầy, thanh bình:
Bãi cỏ non trâu thả, ngựa buông, nội chu đã lắm dưới ca ngợi
Làn nước phẳng kình chìm, ngạc lặn, ao Hán nào mấy trẻ reo hò.
Thật là một niềm hồ hởi, lạc quan. Cho tới cuối bài phú, vẫn mãi một niềm vui say không giảm, vẫn hy vọng, dù tiếng súng của Nguyễn Ánh đã vang dội ra Bắc Hà. Chỉ với bài phú này, Nguyễn Huy Lượng cũng xứng đáng là một nhà văn tiêu biểu của nền quốc văn tiến bộ thời Tây Sơn, xứng đáng cổ một vị trí trong nền văn học cổ điển Việt Nam nửa sau thế kỷ XVIII
Hạn chế của nhà Tây Sơn: Nhà Tây Sơn có một vị vua lỗi lạc về quân sự, đạo đức và chính trị mà chỉ có tồn tại 14 năm (1788 – 1802), nên ca dao đương thời có câu:
“Đầu cha lấy làm chân con
Muời bốn năm tròn, hết số thì thôi”
Theo Hán tự: chữ tiểu nằm ở phấn trên chữ Quang (Quang Trung) và nằm dưới chữ Cảnh (Cảnh Thịnh). Theo các sử liệu và ý kiến của các nhà sử học, bên cạnh những ưu điểm lớn, nhà Tây Sơn còn có những hạn chế sau đây:
- Sự chia rẽ nội bộ của nhà Tây Sơn. Có lần Nguyễn Huệ đem binh vây thành Quy Nhơn khiến Nguyễn Nhạc – đang làm vua, phải lên thành gọi Nguyễn Huệ nghỉ đến tình máu mủ ruột thịt mà tha cho mình. Điều này làm giảm uy tín của nhà Tây Sơn.
- Nhà Tây Sơn ít lưu tâm đến Nam bộ. Mấy lần đem binh vào giải phóng Gia Định xong, nhà Tây Sơn không quyết tâm giữ Gia Định – vựa lúa cả nước, để Nguyễn Ánh có điều kiện gầy dựng cơ sở nhằm “phục quốc”.
- Nhà Tây Sơn dành nhiều đặc quyền đặc lợi cho tầng lớp thống trị mới, khiến người dân giảm niềm tin nơi chế độ mới.
- Vua Quang Trung mất sớm (năm 1792 mới làm vua có 4 năm, ở tuổi 39), Cảnh Thịnh lại không có Tài.
Ngòai 4 nguyên nhân chủ quan, còn hai nguyên nhân khách quan, sau đây:
- Các chúa Nguyễn có công tiếp thu miền Trung và khai phá đồng bằng Nam bộ. Do đó họ rất được lòng dân.
- Mặt khác, theo ý thức hệ phong kiến, người dân thường nghỉ nhà Nguyễn mới chính thống nên được ủng hộ nhiều hơn.
Những Hài cốt của nhà Tây Sơn ở Khám Đường: Sau khi chiến thắng liên tiếp họ Trịnh và nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh vị thân vương cuối cùng và độc nhất của họ Nguyễn đã về Huế vào mùa đông năm nhâm tuất 1802. Lên ngôi hòang đế lấy niên hiệu là Gia Long, Ông đã tổ chức một cuộc lễ Hiến Phù (Hiến là dâng vật phẩm lên cho người trên, Phù là kẽ thù bị bắt trong chiến tranh và chiến lợi phẩm) tại Thái Miếu. Để nói lên ý nghĩa của cuộc lễ ấy, nhà vua đã ra lệnh đào thi hài của các vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ lên giã nát và ném cho bay theo gió. Riêng những cái sọ thì để lại, cho đưa vào Ngục Thất (nhà giam tử tù lớn nhất ở Huế, được thiết lập dưới thời Gia Long, đặt tên là Khám Đường) và giam kín trong những cái vò. Tại Khám Đường có 3 cái vò Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ hoặc Quang Tỏan đó là điều người ta chưa biết được một cách chính xác. Ba cái vò này bị giam trong những căn nhà ngăn cách nhau của Khám Đường, chúng bị xích lại và những cánh cửa ấy bị nêm phong. Những cái vò này đã trở thành đối tượng thờ cúng đặc biệt của các cai ngục vì những cái vò này rất có hiệu lực để tìm các tù nhân bỏ trốn. Những cái vò này được gọi là ông Vò hay Chúa Ngụy. Những cái Vò này đã biến mất vào năm 1885, các tù nhân trong khi trốn đã cố ý mang theo. Hiện nay còn lưu truyền chuyện kể rất đặc biệt về vấn đề hài cốt Tây Sơn. Chuyện thứ nhất do các bà trong nội cung kể lại: Một trong những cái sọ đó đã hiện ra cho vua Đồng Khánh thấy ngay trong hòang cung. Khi vua chợt nhận ra thì nó biến thành một con mèo rừng. Vua Đồng Khánh là một tay thiện xạ, vội đưa súng nhắm bắn, tức tốc con mèo hóa thành một con gà vàng sau đó nhảy lên cái tủ thì biến mất. Sự hiện hình này gây bất hạnh cho vua Đồng Khánh là nhà vua đổ bệnh và băng hà rất nhanh chóng. Chuyện thứ hai cũng kho tin như chuyện vừa rồi: Vua Thành Thái lúc còn nhỏ, trong khi mở nắp của những cái vò ấy để tại Khám Đường ra xem. Nhà vua đã bị thần lực của nhà Tây Sơn gây cảm ứng rất mạnh để báo thù, làm cho sức khỏe củ vị vua này sa sút hẳn.
Vụ Thảm thảm sát Gò Dài (còn gọi là vụ thảm sát Bình An): ngày 26/2 hàng năm là ngày người dân Bình Định làm lễ tưởng niệm dân thường vô tội trong vụ thảm sát. Đây là vụ thảm sát được xem là lớn nhất trong chiến tranh chống Mỹ ở VN. Cuối năm 1965 đầu năm 1966 quân Mỹ và VNCH thất bại nặng nề ở chiến trường MN, để cũng cố lại thế đứng chân chúng đã triển khai kế họach chiến tranh đặc biệt với chiến dịch 5 mũi tên, trong đó Bình Định chính là mũi tên thứ 5. tháng 5/1965 Mỹ chỉ có 500 quân ở Bình Định, thì cuối năm 1965 đã lên đến 16.000, để nối lại QL1A và khống chế QL19 nhằm bảo vệ Tây Nguyên trong đó có Sư Đòan Mãnh Hổ (nguyên là sư đòan đặc nhiệm có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô Hán Thành tức Seoul của Hàn Quốc) quen gọi là lính Pắc Chung Hy của nhiều đơn vị, trong đó có cả 2 lữ đòan Bạch Mã tổng số lính đánh thuê năm 1966 lên đến 20.000 quân. Bố trí ở Quy Nhơn, Phù Cát và Bình Khê. Trong chiến tranh VN, Bình Định là nơi mà quân Đại Hàn đồn trú nhiều nhất. Với khẩu hiệu “Đốt sạch, phá sạch, giết sạch” từ ngày 23/01/1966 đến 29/2/1966 trong vụ thảm sát Gò Dài, xã Tân Vinh, huyện Tây Sơn chúng đã tàn sát 1004 dân thường. Man rợ nhất là ở Gò Dài, chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ ngày 26/02/1966 chúng đã giết hại 380 nguời – thây chồng lên thây, máu thấm đẩm cả một vùng gò, chảy thành dòng xuống chân gò. Lính Đại Hàn còn lùng sục vào các hầm tránh bom, pháo của dân để thả lựu đạn, xả súng hơi cay vào trong. Gặp các giao thông hào, hầm trú ẩn cá nhân, chúng lội người ra đâm lê, phụ nữ thì bị hãm hiếp cho đến chết, những người già 60-70 tuổi thì chúng bắt trói vào gốc cây và dùng lê đâm cho đến chết, tre em thì bị bắn chết xong ném vào lửa, chất rơm đốt lửa thiêu sống trẻ em, em nhỏ nào khóc thì chúng xe làm đôi. Vụ thảm sát gây nên nỗi kinh hòang, sau những ngày hãi hùng nhhững người sống sót phải bỏ làng ra đi, di tích còn lại về vụ thảm sát là một ngôi mộ tập thể dài 33m, rộng 1,5m, chôn xác 380 nạn nhân. 1.535/1592 ngôi nhà bị tàn phá, 649 con trâu bò bị giết, đến 2 năm sau mới có người trở về.
Lăng Mai Xuân Thưởng – Km 47 + 500: bên trái, Mai Xuân Thưởng (1860-1887), lúc nhỏ tên Mai ơ2i thôn Phú Lạc, nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn – quê ngọai của ba anh em nhà Tây Sơn. Cha là Mai Xuân Tín (1819-1866) trước đó có tên là Mai Văn Phẩm, đậu cử nhân khoa thi hương năm Đinh Mùi – Thiệu Trị 7 (1847) tại trường thi Thừa Thiên, làm đến chức Bố Chính tỉnh Cao Bằng. Mẹ là Hùynh Thị Nguyệt con một vọng tộc trong làng. Thuở nhỏ ông thông minh đỉnh ngộ, ham học, mới 6 tuổi thì mồ côi cha. Ông lớn lên dưới sự rèn bọc của mẹ và sự dạy dỗ tận tâm của cụ tú Lê Duy Cung, cả văn lẫn võ. Trước cảnh đất nước rơi vào tay giặc Pháp, triều đình nhà Nguyễn thì hèn nhát đầu hàng, ông đã quyết chí đứng về phía nhân dân kháng Pháp, đọan tuyệt với thuyết trung quân nho giáo. Nhưng ông ý thức được để thực hiện được hòai bão lớn này thì phải có địa vị, một uy tín, một khoa bảng là con đường lớn nhất. Ông lại tiếp tục ngậm hờn để ngày đêm đèn sách. Năm 1885 ông đỗ cử nhân tại trường Bình Định. Đúng lúc này thì kinh thành Huế thúc thủ, ông rời trường thi về làng chiêu mộ được 200 nghĩa sỹ ngày đêm luyện rèn chờ thời cơ giúp nước. Ngày 13/07/1885 từ Sơn Phòng, Quảng Trị vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu cùng nhân dân đứng dậy phò vua giúp nước, đánh đuổi Pháp. Tại Bình Định Đào Dõan Địch – hưu quan của nhà Nguyễn cùng 600 người đã đánh chiếm thành Bình Định nhưng tháng 9/1885 thì lại bị Pháp tái chiếm. Nghĩa quân rút lên vùng núi Phú Phong tiếp tục xây dựng lực lượng để kháng chiến lâu dài. Mai Xuân Thưởng đem tòan bộ lực lượng của mình gia nhập nghĩa quân và được phong chức Tán Lương quân vụ, phụ trách vấn đề hậu cần. Ngày 20.09.1885 Đào Dõan Địch đột ngột qua đời. Trước khi mất ông giao lại tòan bộ lực lượng cho Mai Xuân Thưởng chỉ huy, lúc này ông vừa tròn 25 tuổi. Rất nhiều căn cứ kháng Pháp được xây dựng, lực lượng kháng chiến ngày càng lớn mạnh, có lúc lên tới vài ngàn người. Nghĩa quân phối hợp với lực lượng kháng chiến ở Quảng Ngãi đánh trả cuộc đàn áp của tên đại việt gian Nguyễn Thân. Phối hợp với lực lượng kháng chiến của Khánh Hòa, Bình Thuận đánh chiếm thành Bình Thuận. Đầu năm 1887, quân Pháp dưới sự chỉ huy của trung tá Cherreu phối hợp với quân triều đình do Trần Bá Lộc chỉ huy mở cuộc tiến công lớn nhằm tiêu diệt nghĩa quân, nghĩa quân bị tổn thất nặng nề. Mai Xuân Thuởng đem theo gia đình cùng những nghĩa binh còn lại vượt đèo Phú Quý sang đất Phú Yên tiếp tục xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài nhưng đã bị quan Pháp và triều đình phục kích bắt sống ngày 04/05/1887. Địch dùng mọi thủ đọan dụ dỗ nhưng không khuất phục được ông nên ngày 0/06/1887 triều đình Huế tuyên bố xử trảm Mai Xuân Thưởng vùng 11 đồng chí của Ông tại Gò Chàm, phía Tây Nam tỉnh Bình Định. Thi hài ông được nhân dân mang về an táng ở quê hương, nơi cha ông yên nghỉ. Năm 1861 – sau 80 năm, Quách Tấn đã đứng ra vận động xây dựng lăng mộ nhà yêu nước và lãnh tụ Cần Vương xuất sắc của quê hương Bình Định. Địa điểm như ngày hôm nay ta thấy là quả đồi cao, thuộc thôn Hòa Sơn, xã Hòa Bình. Đây cũng là căn cứ năm xưa ông đã dựng cờ chống Pháp. Ngày 22/01/1961 Hài cốt của Ông đã được đưa từ Phú Lạc về đây.
Tây Sơn Thượng Đạo – km 79 + 500: rẽ trái đi vào, nếu đi thẳng sẽ có tượng Nguyễn Huệ): Tây Sơn thượng đạo ngày nay là 2 huyện K’Bang, Kong Choro và Tx. An Khê. Đất An Khê xưa thuộc Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Để phân biệt cư dân địa phưong thường gọi phía Tây đèo An Khê là Thượng Đạo, và vùng đồng bằng dưới đèo là Hạ Đạo. Là người thường xuyên qua lại mua bán với vùng Thượng Đạo, Nguyễn Nhạc sớm nhận ra vị trí hiểm yếu của núi rừng An Khê. Trong buổi đầu mưu tính đại sự, anh em nhà Tây Sơn đã chọn vùng này để xây dựng căn cứ. Đây là một vùng đất tương đối bằng phẳng, bốn phía đều có núi và rừng già bao bọc, án ngữ. Ở phía Bắc cao nguyên An Khê là quần sơn Ngọc Linh, phía Đông Nam là dãy núi Trụ Lĩnh trùng điệp với hình thế cao dốc kéo dài như một bức bình phong ngăn cách cao nguyên với đồng bằng.Ở phía Tây cao nguyên An Khê ngăn cách với Cao Nguyên Pleiku bằng dãy núi Mang Giang dốc đứng. Với vị trí này Tây Sơn thượng đạo là bậc thang rất quan trọng để lên Tây Nguyên hay xuống đồng bằng, đặc biệt thuận lợi cho việc bố trí đồn trại, luyện tập quân sự và đảm bảo cho nghĩa quân tăng gia sản xuất tự túc lương thực. Từ Thượng Đạo có nhiều đường xuyên sơn khác, có thể đi ra các tỉnh phía Bắc. Trong trận đánh đèo Hải Vân năm 1786, một bộ phận nghĩa quân đã theo con đường này. Ở phía Nam có con sông Ba và các con đường dọc theo sông suối tạo thành các đường giao thông thủy bộ nối liền Thượng Đạo với vựa lúa Phú Yên và các tỉnh phía Nam. Theo đường thủy sông Ba, chúng ta đến lối rẽ vào làng H’Lang, xã Nam Giang, huyện Kon Chơro. Ở đây là nơi cất dấu thuyền bè, bên cạnh đó ngày nay vẫn còn dấu tích nền nhà, hồ Ông Nhạc, kho tiền. Nhân dân trong vùng vẫn thờ dih muối Bok Nhạc để tưởng nhớ những ngày lạt muối thiếu cơm được nghĩa quân Tây Sơn giúp đỡ.
Quách Tấn (1910 – 1992): Quách Tấn sinh năm 1910 tại Thôn Trường Định, huyện Bình Khê, nay là xã Hòa Bình huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Ông mất ngày 12.12.1992 hưởng thọ 82 tuổi. Ông bắt đầu làm thơ, viết văn khi còn học lớp nhất, nhưng phải đến năm 1932 được Tản Đà và Phan Bội Châu hướng dẫn và cổ vũ, ông mới thực sự bước vào làng thơ. Thơ ông thường đăng lên các báo: An – Nam tạp chí, Tiếng Dân, Phụ Nữ Tân Văn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy …năm 1939, nhà thơ tập hợp một số bài in thành tập “Một tấm lòng”, trong đó chứa đựng một cái nhìn trong trẻo trước cuộc đời và thiên nhiên. Quách Tấn đã giữ một tâm hồn triết nhân phương Đông giữa cuộc đời. Trong thời gian từ 1945-1954, Quách Tấn làm Ủy viên Ủy Ban ủng hộ kháng chiến và Thủ quỹ Mặt trận Dân tộc Quốc dân huyện Bình Khê, sau đó dạy học ở các trường phổ thông trung học An Nhơn, Bồng Sơn, Bình Khê. Sau năm 1954, tuy phải sống trong vùng Mỹ – Ngụy kiểm sóat tại Nha Trang, ông buộc phải ra làm công chức một thời gian để có tiền nuôi sống gia đình, nhưng sau đó đã rũ áo từ quan như Đào Tiềm thời xưa “không vì ăn đấu gạo mà phải khom lưng”, sống như một ẩn sĩ. Ông làm những bài thơ có ý vị thanh cao, siêu thóat. Ông dịch thơ chữ Hán của Thái Thuận, Nguyễn Du, viết địa phương chí ca ngợi danh lam thắng cảnh của đất nước như: Non Nước Bình Định, Xứ Trầm Hương, nghiên cứu về nhà Tây Sơn và sọan tuồng Đào Tấn.
Quân Tây Sơn hành quân: Theo Lê Triều dã sử thì khi tiến quân ra Thăng Long đánh quân Thanh, vua Quang Trung đã bày cho quân lính cứ ba người một tốp, thay phiên võng (cáng) nhau đi, thành ra quân trẩy liên miên không phải dừng mà ai nấy đều được nghỉ, do đó quân Tây Sơn hành quân cực kỳ thần tốc. Nhiều người tin rằng đã có một cách hành binh đặc biệt như thế thật. Tức là cứ hai người võng (cáng) một người, thay phiên nhau mà đi, nên suốt dọc đường ra Bắc lúc nào cũng hành quân liên tục và lúc nào cũng có người được nằm võng nghỉ cho lại sức. Nhưng cũng có nhiều người tỏ ra nghi ngờ cách hành binh này. Bởi vì mỗi người lính ra trận, ngoài binh khí bắt buộc phải mang theo (giáo mác, hỏa hổ…), người lính còn phải mang áo quần, tư trang, gạo nước (gọi chung là quân trang, quân dụng, quân lương) cho nên trên vai mỗi người ít nhất cũng phải 20-30 kg. Rồi lại còn phải trèo đèo lội suối nữa, vậy thì còn sức đâu mà cáng người. Không khéo vì phải cáng nhau mà làm chậm tốc độ hành quân, chứ nhanh hơn làm sao được. Mà người nằm trên cáng cũng chẳng cảm thấy thoải mái gì, thà đi bộ còn dễ chịu hơn? Trong tác phẩm nghiên cứu “Tìm hiểu thiên tài quân sự Nguyễn Huệ”, các tác giả Nguyễn Lương Bích -Phạm Ngọc Phụng đã phân tích rất có lý: “Có tài liệu như Lê Triều dã sử nói rằng, trong cuộc tiến quân từ Phú Xuân ra Bắc lần này, để hành binh nhanh chóng, Nguyễn Huệ đã cho quân dùng cáng, ba người một tốp thay phiên cáng nhau, khiến mọi người đều đi nhanh mà không bị mỏi”. Sự việc này không chắc có thật. Bởi vì cáng nhau mà đi thì không thể đi nhanh được bằng đi bộ rảo cẳng, càng không thể đi nhanh đều đặn trong thời gian nhiều ngày liền. Cho nên, chúng tôi cho rằng việc cáng nhau mà đi chỉ là câu chuyện người đời sau viết sách tưởng tượng ra để giải thích tốc độ hành quân mau lẹ của quân Tây Sơn. Hoặc giả có những bộ phận quân đội dùng cáng chuyên chở quân trang, quân dụng, quân lương… để đem đi được nhiều nên nhân dân trông thấy, tưởng đoàn quân cáng nhau để hành quân nhanh. (Tìm hiểu thiên tài quân sự Nguyễn Huệ, Nxb Quân đội Nhân dân, 2003, tr 246-247). Xin ghi thêm để bạn đọc tham khảo. Quê tôi ở xứ Nghệ, nằm trên trục đường Thiên lý Bắc – Nam xưa. Thuở còn ấu thơ, tôi đã từng nghe các bậc già cả trong làng truyền ngôn lại câu chuyện về cuộc hành binh thần tốc kỳ lạ của vua Quang Trung:
Quân dung đâu mới lạ nhường
Mũ mao, áo đỏ, chật đường tiến ra .
Sở dĩ quân lính của Quang Trung được trang bị mũ lông (mũ mao) vì lúc này đang là mùa đông tháng chạp, trời rất rét. Đó là cuộc hành binh có một không hai với hàng vạn người, quân đi điệp điệp trùng trùng như sóng. Có nhiều voi, ngựa, và đặc biệt là có nhiều chiếc cáng. Nói là cáng, nhưng thật ra không hẳn là cáng. Phải gọi là những chiếc thuyền nan thì đúng hơn. Hình dạng của nó thuôn nhỏ như chiếc thuyền câu của đồng bào vùng trũng Bắc bộ. Những chiếc thuyền nan này được đan bằng tre, chiều dài khoảng 6 thước (2,4m), rộng khoảng 2 thước (0,8m). Đan xong, người ta lấy vỏ một loại cây có nhựa, cùng với sợi dây tơ hồng (một loại dây leo), giã nhỏ, trộn với phân trâu, bò thành một chất kết dính, trát kín thuyền rồi đem phơi khô (danh từ trong nghề gọi là “xảm”. Cứ ba người lính lập thành một tổ (như tổ tam tam sau này) và được trang bị một chiếc thuyền. Chiếc thuyền này được coi như chiến cụ của cả tổ, các thành viên trong tổ có nhiệm vụ mang vác, bảo quản, vận chuyển suốt dọc đường hành quân. Để được thuận lợi, người ta buộc một chiếc đòn tre dài dọc theo thuyền. Bình thường hai người khiêng hai đầu đòn tre như khiêng cáng, trên thuyền là vũ khí cá nhân, dụng cụ, tư trang, gạo nước… của cả tổ. Người dân từ xa nhìn vào tưởng là cáng người. Thật ra thì cũng có khi cáng người, nhưng rất ít. Đó là những trường hợp có người nào ốm yếu, mệt mỏi, bị thương, thì có thể nằm lên cáng, để hai người khiêng đi. Tuy nhiên trường hợp này không nhiều. Ai cũng cố gắng không muốn để đồng đội phải khiêng mình. Tác dụng tốt nhất của chiếc “thuyền cáng” là để vượt sông. Từ Phú Xuân ra Thăng Long đoàn quân phải vượt qua hàng chục con sông lớn và hàng trăm con sông nhỏ, rồi đầm, phá. Huy động làm sao đủ thuyền bè để đưa hàng chục vạn quân qua sông cùng một lúc? Mà bơi vượt sông thì đang là mùa đông (tháng Chạp) trời rất rét. Chính lúc này chiếc thuyền phát huy tác dụng. Quân đến bờ sông lập tức thuyền được hạ thủy, giáo mác làm mái chèo, cứ thế 3 người một thuyền sang sông chủ động, an toàn và đặc biệt là không bị ướt, rét. Dọc đường hành quân, mỗi khi trời mưa, chiếc thuyền cáng còn được úp lên đầu thành mái che mưa rất hữu hiệu. Chiếc thuyền này còn có một tác dụng nữa: Đó là khi công đồn thì nó được dùng làm khiên, cản tên đạn của kẻ thù để cho quân ta tiến lên, rất có hiệu quả. Do chiếc “thuyền cáng” có nhiều công dụng như thế nên các tổ ba người luôn luôn bảo vệ nó, mang theo nó không bao giờ quên, như là một dụng cụ chiến đấu vậy.Vì thế mà có câu ca nói về tác dụng của chiếc “thuyền cáng” này:
Giúp quân thần tốc
Không kể ngày đêm
Đi đường làm cáng
Xuống nước là thuyền
Trời mưa làm lán
Xung trận thành khiên
Quân đi như nước
Trên cáng dưới thuyền.
Chiếc “thuyền cáng” trong cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung có nhiều công dụng thật đặc biệt. Nó góp phần làm cho cuộc hành quân được mau lẹ, tạo yếu tố bí mật, bất ngờ, góp phần không nhỏ vào trận Đại thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789. Nó là một sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật quân sự tuyệt vời của Hoàng đế Quang Trung
Tháp Bánh Ít: ngã tư Cầu Gành đi Quảng Ngãi, bên trái
Chúng ta trông thấy trên đỉnh núi sát bên đường, một nhóm bốn ngọn tháp, 1 ngọn cao và 3 ngọn nhỏ ở dưới thấp, xa trông như 4 chiếc bánh ít gai lột trần đơm trên mâm cổ đầy vun ngọn vì thế tục gọi là tháp Bánh Ít. Tháp này tên gọi là Tri Thiện, người Pháp gọi là Tour d’ Argent (Tháp Bạc). Khu tháp Bánh Ít hiện còn 4 tháp: Tháp chính (22m), tháp Nam, tháp Cổng và tháp Đông. Toàn bộ công trình này được xây dựng từ TK11.Dưới chân núi có dòng nước 2 nhánh bắt qua 2 cầu: Cần Gành và cầu Bà Di (biến âm từ chữ Barie – gác chắn đường tàu)
“Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di
Sông xanh núi cũng xanh rì
Vào Nam ra Bắc ai cũng Phải đi con đường này
Nghìn thu gương cũ còn đây
Lòng ơi, phải lo nung son sắt kẻo nữa đầy bể dâu”
Km 1203 + 500 Tháp Cánh Tiên (TT Thành Đồ Bàn): nhìn bên trái, chúng ta còn thường lẫn lộn giữa thành Đồ Bàn với thành Hòang Đế, thành Hòang đế với thành Bình Định. Đã có những lời giải thích kèm theo tên gọi dân dã để phân biệt các thành: thành Bình Định – thành Mới, thành Hòang Đế – thành Cũ. Nhưng khi nói đến thành Hòang Đế và thành Đồ Bàn người ta còn thấy thành Đồ Bàn còn cũ hơn nhiều. Mối quan hệ giữa 3 thành: Đồ Bàn – Hòang Đế – Bình Định. Thành Hòang Đế khác thành Đồ Bàn: Đồ Bàn là kinh thành của vương quốc Chămpa được xây dựng từ TK10, đời vua Ngô Nhật Hòan, đến năm 1471, do sự sát nhập một phần đất Chămpa vào lãnh thổ Đại Việt, thành Đồ Bàn bị bỏ hoang dần đổ nát. Thành Chà Bàn (Đồ Bàn) dựa vào núi Long Cốt để làm thế vững. Thành hình vuông, rộng hơn 10 dặm (4.940m2), mở 4 cửa. Xây bằng gạch, rào gỗ, tuy không có hào rãnh mà vẫn kiên cố. Trong thành có các thắng cảnh như tháp Tiên Sí (Cánh Tiên). Từ năm 1471 đã bỏ phế, đến Nguyễn Nhạc dựng thành Hòang Đế vào năm 1776, thành Đồ Bàn đã trải qua 306 năm trong cảnh hoang vắng, đìu hiu. Suốt thời chúa Nguyễn ở Đàng trong thành cũng bỏ hoang. Trên cơ sở một nơi hoang tàn như thế Nguyễn Nhạc gần như phải thiết kế lại hoàn tòan: Thành sửa đắp mở rộng về phía Đông, dáng thẳng đứng chu vi hơn 15 dặm (7.400m2), đắp cao tường thành bằng đất và đá ong, cao 14m dày 20m, thành có 5 cửa tầng. Phía trong thành còn dựng lầu bát giác nay là lăng mộ chỗ Võ Tánh. Di tích này cộng thêm sự hiện diện của các gò Chùa, gò Cửa Chùa, gò tháp Mẫm trong khu vực thành chứng tỏ Nguyễn Nhạc chăm lo xây dựng thành quách với mục đích cũng cố căn cứ địa trung ương, tăng cường trang bị, luyện tập và phòng bị quân sự ngày càng cao, không sao nhãng với sự nghiệp giải phóng dân tộc mới vừa giành được thắng lợi bước đầu. Mặc dù sau này, vai trò trung tâm của lịch sử chuyển sang Nguyễn Huệ, nhưng tầm nhìn rộng của Nguyễn Nhạc là rất quan trọng. Chính thành Hòang Đế trong vòng 10 năm (1776-1786) là đại bản doanh của bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn. Từ đây xuất phát hàng lọat đợt tiến công dũng mãnh, quân Tây Sơn lật đổ sự thống trị của chúa Nguyễn Đàng trong, vượt biển vào Nam lập chiến công Rạch Gầm – Xòai Mút. Rồi sau đó từ thành Hòang Đế, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra Bắc lật đổ chúa Trịnh lập lại thống nhất nước nhà. Sau này vào giai đọan nhà Tây Sơn suy vong (1793-1802), thành Hòang Đế là nơi diễn ra những trận chiến quyết liệt với quân đội đối địch. Năm 1799 Nguyễn Aùnh tước bỏ cái tên Hòang Đế Thành, thay thế vào là tên gọi thành Bình Định (khi Nguyễn Aùnh chiếm thành Hòang Đế lần thứ nhất). Và khi vương triều Nhà Nguyễn định vị, thì Hòang Đế thành bị phá dỡ không thương tiếc. Thành Bình Định mới – sự hóa thân của đá ong thành hòang đế, thành Hòang Đế đổi tên là thành Bịnh Định năm 1799 đến năm 1813 thì bị phá. Gia Long ra lệnh phá bỏ thành Bình Định cũ, lấy đá ong về xây dựng thành mới ở thôn Kim Châu và An Ngãi (nay là thị trấn Bình Định). Thành mới xây bằng đá ong, bên trong đắp lũy đất, cao 11m, chu vi 6.120,18m2. ba mặt Đông – Tây – Nam đều có cửa. Chính vì sự giống nhau trong chất liệu xây thành và hình dáng, lại vẫn mang tên thành Bình Định nên mới gây sự nhầm lẫn nên dẫn đến xuất hiện các phụ danh thành Mới – thành Cũ để phân biệt. Xem ra nhà Nguyễn quá câu nệ vào hai chữ Bình Định giương uy để rồi cả trăm năm sau vẫn thường nhầm, vì thế ngày nay đất An Nhơn là Đất Vua.
Km 1203 + 300 – Chùa Thập Tháp: rẽ trái 200m, chùa được xây trên gò rộng hình mai rùa, trên gò xưa kia có 10 ngọn tháp, nên gọi là gò Thập Tháp nằm yểm hậu thành Đồ Bàn. Thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), vị Thiền sư Bích Hóan Hòa Thượng người Trung Hoa lấy gạch đổ nát của 10 ngọn tháp trên đồi Long Bích xây chùa gọi là Thập Tháp di Đà Tư. Nhiều người cho rằng chùa còn tọa lạc trong vùng uyển lăng của các triều đại vua chúa Chămpa trước vì chùa vẫn còn 3 giếng Chăm hình vuông, nước ngọt và trong. Thiền sư khai sơn chùa Thập Tháp là ngài Thọ Sơn Hòa Thượng, húy Nguyên Thiều, hòa thượng họ Tạ, quê ở Trình Hương, Triều Châu, tỉnh Quảng Đông sang Việt Nam năm Ất Tỵ (1665), Ngài là người đầu tiên truyền chánh phái Lâm Tế ơ ûmiền Trung. Chùa xây bằng gạch, lợp ngói. Bốn vày (chử khẩu), ba gian, hai chái. Mỗi gian rộng 7m. Kèo, trích, quyết đều làm bằng gỗ cây sao và chạm chữ Phạn. Còn cột thì lớn nhỏ dần về phía trên và được làm từ gỗ Ké. Trong chùa có đủ 3 tạng kinh, giấy khổ rộng và chữ lớn bằng ngón tay út. Ba tạng kinh này, ngòai chùa này ra thì không chùa nào có. Bộ kinh hết sức cổ có lẽ do sơ tổ đã thỉnh ở Trung Hoa sang lúc phụng mệnh chúa Nguyễn. Ba tạng kinh nay không còn đủ, sư phụ Phước Huệ cho hai học trò là Thích Trí Độ và La Đỉnh Thâm mang một số kinh và luận ra Huế mở trường Đại học Phật và để lại chùa Từ Đàm. Chùa này bị thiêu hủy thời Ngô Đình Điệm, 1000 quyển kinh luận rất cổ của chùa Thập Tháp cũng bị cháy rụi. Đây là một tổn thất nặng nề do vậy mà ba tạng kinh Thập Tháp bị thiếu nhiều. Trong Chùa sơ tổ đã để lại hai pho tượng Hộ Pháp cao khỏang 2m và 36 vị La Hán cao 0,4-0,5m bằng gỗ được chạm khắc rất tinh vi. Vì đây là ngôi chùa cổ nổi tiếng cho nên người địa phương truyền nhau nhiều câu chuyện hoang đường nhưng lý thú như chuyện “Vỏ Lúa”. Truyền rằng: Trước khi Pháp lấy thành Bình Định thì trước chùa có một võ lúa to bằng chiếc trống chầu và ánh sắc như vàng. Quân Pháp nghe đồn đến xem, nghi là đồ giả lấy tay rờ thử thì thấy vỏ lúa liên tan ra thành phấn vàng và bay theo gió. Vỏ lúa ấy là vật kỹ niệm lưu truyền trên 200 năm. Đó là một thứ lúa đặc biệt của chùa do Sơ Tổ Nguyên Thiều mang từ Trung Hoa Sang. Ruộng chùa trồng tòan giống lúa ấy. Lúa không mất công trồng, hễ đến mùa xuân sau khi ruộng cày bừa xong, lúa giống từ sân chùa lăn ra ruộng để nảy mầm và phát triển. Đến mùa hạ lúa chín người trong chùa phải quét sân cho sạch để lúa tự lăn về. Lúa chỉ đủ cho nhà chùa dùng và ban phát cho những người nghèo trong vùng. Mỗi người mỗi tháng chỉ dùng một hạt lúa là đủ no, vì mỗi hột chứa đựng hàng thúng gạo, trắng thơm như nếp tháng 10. Những kẻ gian lén lấy giống mang về trồng nhưng không mọc. Những nhà có đủ ăn, đủ mặc mà đến xin bố thí, thì gạo vừa đem về đến nhà thì tan thành bũn. Bởi vậy lúa chùa chỉ chùa trồng và chùa dùng mà thôi.
Anh Hùng Ngô Mây – Thị Trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát: Trong công viên có tượng Anh Hùng Ngô Mây ôm bom quyết tử cho tổ quốc quyết sinh: “ Thưa mẹ, mẹ đừng buồn. Con sẽ chết một cái chết sướng nhất đời. Mẹ hãy vui lên vì mẹ đã có một người con xứng đáng đã hòan thành nhiệm vụ…”. Đó là những dòng chữ cuối cùng của người chiến sĩ Quyết Tử Quân người Bình Định gửi cho mẹ trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ngô Mây sinh tại thôn Viên Triên, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát. Bố mất sớm, mẹ chỉ có anh là người con duy nhất. Cuối năm 1946, giặc Pháp chiếm tòan bộ Tây Nguyên và lăm le tràn xuống Bình Định. Ngô Mây xin mẹ đi bộ đội, anh gia nhập đại đội Quyết Tử Quân theo lời kêu gọi của Bác “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Mùa hè năm 1947, quân Pháp đánh mạnh vào An Khê, đại đội quyết tử được lệnh chặn đánh Pháp tại đèo An Khê. Nhưng phía địch được trang bị vũ khí hiện đại, tối tân. Trong khi đó cả đại đội mà chỉ có vài khẩu súng trường, lựu đạn, kinh nghiệm chưa có… bàn đi tính lại cuối cùng chỉ còn một cách: Lấy tinh thần quyết tử vì tổ quốc để làm tròn nghiệm vụ. Hơn 40 chiến sĩ xung phong nhận nhiệm vụ, khi đại đội trưởng đếm xong mọi người đều hạ tay xuống duy chỉ có cánh tay của Ngô Mây vẫn con giơ lên, anh sợ Đại đội trưởng đếm sót mình nên vẫn chưa bỏ tay xuống. Sau khi cân nhắc ban chỉ huy đã quyết định giao nhiệm vụ vẻ vang đó cho Ngô Mây. Trận chiến đấu với địch tại Rộc Dứa cách Suối Vôi 100m và An Khê 3Km về phía Đông Bắc, ngày 24/10/1947 diễn ra vô cùng ác liệt. Sau một giờ chiến đấu ta diệt hơn một nửa tiểu đội địch thì khẩu trung liên của đại đội bị tắc, lợi dụng thời cơ này địch đánh lên giữ dội. Theo kế họach đã định, Đại đội trưởng ra lệnh rút quân. Lúc đó, Ngô Mây vẫn bình tĩnh ngồi yên trong bụi rậm, chờ cho quân địch tiến lại đông hơn anh mới ôm bom lao vào giữa đội hình của chúng. Quân giặc còn chưa hết ngỡ ngàng thì tiếng bom đã nổ vang, đã phá hủy 1 xe thiết giáp, 1 xe GMX, diệt gọn một Trung đội Âu Phi lê dương của Pháp, mở đường cho tòan Đại đội xông lên đánh tan cuộc tiến công của chúng. Anh hy sinh khi tròn 25 tuổi đời và 7 tháng tuổi quân, Liệt sỹ Ngô Mây là người đầu tiên được Đảng, Nhà nước ta truy phong Anh hùng LLVTND.
Tăng Bạt Hổ (1858 – 1908): Tên của ông gắn liền với một giai thoại lý thú, nói lên bản lĩnh của ông lúc ông chưa đầy 30 tuổi, tháng giêng năm 1887 sau khi đánh Pháp không thành, ông tìm đường sang Thailand toan tín xin cầu viện, cứu nước. Khi đến đèo dốc Đót, giáp giới cao nguyên An Khê, Bình Định. Ông gặp một con hổ chận giữa đường, mấy người theo ông ai cũng lo, có người run như cầy sấy. Tăng không chút sợ hãi, nhìn thẳng vào mặt hổ bình thản nói: “Này chúa sơn lâm! Ta đi đây vì việc đại nghĩa chứ không phải việc riêng tư nào khác, xin chúa sơn lâm tránh sang một bên để cho kẻ vong quốc này lên đường cho sớm”. Dường như con hổ cũng có linh tính, cảm thông nghĩa cử cao đẹp của ông, nên tránh sang một bên cho ông và đoàn người cùng đi qua đèo. Từ đó các người đi cùng tôn ông là Tăng Bạt Hổ. Câu chuyện ‘Bạt hổ” của Tăng được truyền tụng trong dân gian. Ông tên thật là Tăng Doãn Văn, Sư Triệu hiệu là Đền Bát, sinh năm Mậu Ngọ 1858 tại xã An Thường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Năm 1876, lúc Tăng 18 tuổi đã thay anh đi đầu quân, gia nhập quân đội triều đình, dưới thời vua Tự Đức (1848-1883). Với bản tính can trường và giỏi võ nghệ nên 1883 lên chỉ huy Xuất đội, 1884 lên Cai cơ, đồn trú tại cửa An Dũ, Hoài Nhơn canh phòng bờ biển, đối phó với tàu Pháp quấy rối biển trời tổ quốc. Ngày 23/05/1885 kinh thành Huế thất thủ, bị giặc Pháp chiếm đóng. Vua hàm Nghi (1884-1888) phải chạy ra Quảng Trị ban chiếu Cần Vương, lúc này ông cũng chiêu mộ nghĩa quân lập chiến khu chống Pháp, nhưng bất thành sau khi thoát nạn trong tình cảnh bị trọng thương khi giao tranh với quân Pháp, ông phải rời quê hương sang các nước láng giềng, nhằm cứu dân, cứu nước. 1887 ông sang Laos, qua Thailand. Sau mấy tháng ở Thailand, Tăng Bạt Hổ sang Trung Quốc, ông đi khắp Quảng Đông, Quảng Tây để nắm bắt tình hình. Cuối năm 1887 Ông được tin Lưu Vĩnh Phúc chủ tướng quân Cờ Đen đã về nước, đang ở Đài Loan. Tăng với Lưu vốn là bạn chiến đấu, Lưu là bạn cố tri của Tăng từ ngày đóng quân ở Sơn Tây, Cao Bằng trong những năm 1882-1883. Ông đã tìm gặp Lưu tại Quảng Đông trong niềm vui và hy vọng. Nhưng lúc bấy giờ ở Đài Loan vừa bị Nhật Bản chiếm, quân cờ đen tứ tản, uy danh của Lưu Vĩnh Phúc chỉ còn vang bóng một thời ở Hà Nội trong trận phục kích thiếu tá Henri Vìere ở Cầu Giấy ngày 10/03/1883. Lưu không giúp gì được cho Tăng bèn chia tay nhau, Tăng quay về Hải Phòng tạm lánh để chờ thời cơ thuận tiện. Cuối cùng ông nghỉ chỉ có Nhật Bản mới gíup ông hoàn thành tâm nguyện. Ông quyết định sang nhật, bằng cách đi làm thủy thủ cho một chiếc tàu buôn. Nhật Bản sau ngày Minh Trị Thiên Hoàng – 1868 đang trên đường Âu hóa, ông bỏ 10 năm học tiếng Nhật rồi mang tên Nhật, xin vào hải quân Nhật. Tại Binh Chủng này ông đã học được cách sử dụng vũ khí, chiến lược, chiến thuật của Âu Mỹ cùng tinh hoa binh pháp của một dân tộc sống trên sóng nước từng quen về thủy chiến. Ông nổi tiếng là chiến sỹ thiện chiến và can trường được người nhật mến phục. Sau khi chiến thắng quân đội Nga ở trận Lữ Thuận, Ông được Nhật Hoàng tự tay ban cho một chung tửu. Cảm kích sự tưởng thưởng đó, ông bày tỏ nỗi lòng của mình: “Tôi là người Viêt Nam vong quốc” . Chính từ đó ông nghiễm nhiên thành một chính khách Việt Nam hoạt động bên cạnh chính phủ Nhật Bản. Các danh nhân và chính khách ở Nhật Bản đều cảm kích tấm lòng cao thượng của ông và ngõ ý giúp đỡ ông về đào tạo nhân tài cho đất nước. Tháng 10/1904 ông trở về nước và tìm gặp cụ Phan Bội Châu, ông cùng cụ Phan họp bàn thành lập phong trào Đông Du, với sự có mặt của cụ Mai Sơn – Nguyễn Thượng Hiền và cụ Huấn Quyền. Tháng giêng năm 1905 cụ Phan sang Nhật và cũng từ đó ông là người cổ động cho phong trào Đông Du. Cuối năm 1905 ông về nước mang theo thư của cụ Phan “ Khuyên Thanh Niên Du Học”, phổ biến trong nhân dân, quần chúng khắp nơi. Ông còn liên lạc với cụ Nguyễn Quyền xúc tiến thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục (mở trường dạy tân học và miễn phí cho con nhà nghèo hiếu học). Mùa đông năm 1908 ông từ Bắc trở vào Trung, dừng lại ở Huế cổ động phong trào Đông Du, thì lâm bệnh nặng và mất tại Huế.
Tam Quan: Đọc trại ra từ tên sông Tân Quan, hiện nay con sông Tân Quan đã biệt lập hẳn. Vì bắt nguồn từ vùng núi là dãy Trường Sơn, đây là nơi núi sát biển cho nên sông này dài chỉ 15Km, lòng sông không được sâu nên chỉ thuận lợi cho nông nghiệp. Đề tài cách làm bánh tráng dừa. Trước đây bánh này có nguồn gốc từ người Chămpa -> Người Banar học theo -> lương khô chủ yếu của nghĩa quân Tây Sơn hành quân thần tốc, tên gọi bánh tráng là gọi theo cách làm. Nhưng khi chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa thì toàn bộ bánh này để lại rất nhiều tại Đống Đa. Cư dân Hà Thành ăn thử nhưng không biết tên nên gọi Bánh Ở Đống Đa -> sau rút gọn lại thành Bánh Đa. Nên trong Nam gọi Bánh Tráng, Bắc Trung Bộ gọi Bánh Khô, ngoài Bắc gọi là Bánh Đa.
“Đi qua khỏi mũi Sa Hòang (Sa Hùynh)
Kìa kìa lố thấy Tam Quan (Tân Quan) nhiều dừa”